Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Hiệu quả từ cải tạo vườn tạp ở Tân Thành __________________________ Thời gian qua, việc sử dụng đất vườn của nhiều hộ dân huyện Tân Thành còn chưa phù hợp. Diện tích vườn tạp, vườn cây kém năng suất còn nhiều nên hiệu quả kinh tế thấp. Để giúp bà con nông dân thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Tân Thành đã đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu nhiều loại giống mới để nhân dân tham khảo, áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác. Qua quá trình sản xuất, cùng với sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, bà con nông dân trên địa bàn huyện thấy rõ lợi ích của từng loại cây trồng. Vì vậy, nhiều hộ đã phá bỏ vườn tạp, vườn cây kém năng suất chuyển sang trồng các loại cây như: bưởi da xanh, mít viên linh, nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, quýt đường, các loại rau màu…và thu được lợi nhuận cao. Diện tích đất nông nghiệp của gia đình anh Nguyễn Minh Đông (trú tại ấp Sông Xoài 1, xã Sông Xoài) trước đây chủ yếu trồng điều. Tuy nhiên, giá điều bấp bênh. Cùng với đó là diễn biến thất thường của thời tiết nên năng suất không cao. Vì vậy, lợi nhuận không đáng kể. Sau nhiều lần tham quan mô hình trồng quýt đường tại xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc), anh Đông đã quyết định đầu tư trồng loại cây này. Nghĩ là làm, năm 2010, anh Đông cùng gia đình đốn bỏ 1 hécta điều già cỗi chuyển sang trồng 1.000 cây quýt đường. Toàn bộ diện tích được anh trồng bằng cây ghép nên thời gian sinh trưởng và cho trái nhanh. Để quýt cho năng suất, chất lượng cao, ngoài việc chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, anh Đông còn lắp đặt hệ thống tưới tự động tạo độ ẩm cho cây. Sau 2 năm trồng, vườn quýt của gia đình anh Đông đã bắt đầu cho trái. Trung bình mỗi cây cho khoảng 30 kg trái. Vụ quýt này, gia đình anh Đông thu được hơn 30 tấn trái. Với giá bán cho thương lái tại vườn dao động từ 20 đến 25 ngàn đồng/1 kg. Sau khi trừ chi phí, vườn quýt cho thu lời khoảng 400 triệu đồng, cao gấp 8 lần so với trồng điều. Hiện gia đình anh Đông tiếp tục cải tạo vườn, để mở rộng diện tích trồng quýt lên 1,5 hécta. Năm 2004, sau khi tìm hiểu và đi tham quan một số mô hình, gia đình anh Hà Văn Tĩnh (ở ấp 3, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) đã chuyển đổi hơn 2 hécta đất trồng bắp và vườn cây tạp sang trồng nhãn xuồng cơm vàng. Đến nay, vườn của gia đình anh có 200 cây nhãn đã đến kỳ thu hoạch. Trung bình mỗi cây đạt năng suất 35 kg trái /1 vụ. Như vậy, mỗi vụ vườn nhãn cho thu hoạch trên dưới 5 tấn trái, với giá bán cho thương lái tại vườn dao động từ 28 ngàn đồng đến 40 ngàn đồng/1 kg (tuỳ thời điểm). Mỗi vụ nhãn gia đình anh Tĩnh thu lời khoảng 160 triệu đồng. Ngoài ra, anh Tĩnh còn phá bỏ 1 hécta điều già cỗi sang trồng điều cao sản xen canh mãng cầu ta. Hiện điều và mãng cầu đã bắt đầu cho trái. Theo tính toán của anh Tĩnh, cây điều phải đến năm thứ 10 mới vươn tán rộng, trong thời gian này, gia đình anh sẽ tập trung chăm sóc cây mãng cầu để tăng nguồn thu trên cùng một diện tích. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được người dân huyện Tân Thành chú trọng trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng năm 2014, nông dân huyện Tân Thành đã chuyển đổi 90 hécta đất vườn tạp, vườn cây kém năng suất sang trồng các loại cây có năng suất, chất lượng cao. Hầu hết các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng trước, như: mô hình chuyển đổi diện tích trồng bắp với thu nhập 15 triệu đồng/hécta/năm (ở xã Châu Pha) sang trồng khổ qua (thu nhập khoảng 60 triệu đồng/hécta/năm); mô hình chuyển đổi đất trồng lúa 1 vụ với thu nhập 15 triệu/hécta/vụ (ở xã Phước Hòa) sang trồng rau xanh thu nhập 80 triệu đồng/1 hécta/ 1 năm, mô hình chuyển đổi từ trồng điều (40 triệu đồng/ ha/1 vụ) sang trồng bưởi da xanh (ở xã Sông Xoài) thu nhập hơn 400 triệu đồng/1 ha/vụ). Thực tế cho thấy, việc cải tạo vườn tạp, vườn cây kém năng suất sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân; đồng thời tránh được sự lãng phí đất trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích, phát triển các loại cây trồng hiệu quả hơn, bên cạnh việc hỗ trợ về vốn sản xuất, kỹ thuật canh tác thì rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc tìm thị trường đầu ra cho nông sản; đồng thời phải có sự liên kết “4 nhà” (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp) để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế một cách bền vững. Ngô Chiến

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Huyện Tân Thành: Phòng chống bệnh lao còn gặp nhiều khó khăn


20-03-2013 15:30
Huyện Tân Thành hiện là địa phương nằm trong vùng dịch tễ lao cao nhất tỉnh BR-VT (tính trên 100 ngàn dân). Trung bình mỗi năm, toàn huyện có 200 ca mắc được trung tâm y tế huyện điều trị.
 
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm y tế huyện Tân Thành tiếp nhận và điều trị cho 45 ca lao mới
Lao là bệnh dễ lây nhưng cũng dễ chữa trị nếu bệnh nhân tuân thủ theo phác đồ trị liệu của bác sỹ. Tuy nhiên, nhiều người bị nhiễm lao có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, công việc không ổn định nên việc chữa trị gặp trở ngai, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống lao ở địa phương.
Chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, Trung tâm y tế huyện Tân Thành tiếp nhận và điều trị cho 155 người mắc bệnh lao, trong đó có 45 ca lao mới, còn lại là bệnh nhân lao tái nhiễm. Trong số 155 ca lao đang điều trị có 121 ca mang nguồn lao lây.
Bác sỹ Trần Kim Minh, Đội trưởng đội y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Tân Thành cho biết: “Huyện Tân Thành có nhiều nhà máy, xí nghiệp, cụm cảng, do vậy lượng dân cư từ các địa phương khác đến làm việc tại các KCN rất nhiều. Đó là các đối tượng có rất nhiều nguy cơ mắc lao. Do đời sống của họ thiếu thốn, ăn uống không đầy đủ, nơi ở chật chội, ảnh hưởng nhiều đến việc phòng chống lao. Quản lý và điều trị cho những người này rất khó, nếu ở đây không có việc làm họ lại bỏ đến nơi khác để tìm việc mới cho nên việc điều trị gián đoạn.
Bên cạnh đó, ở huyện Tân Thành có một số mỏ tẩy đá granit, người dân làm việc cực nhọc họ hít phải bụi đá dẫn đến viêm phổi và rất dễ mắc bệnh lao. Dịch HIV/AIDS cũng là nguy cơ dẫn đến tăng số bệnh nhân lao. Hiện huyện Tân Thành đứng thứ hai toàn tỉnh về số người nhiễm HIV và nhiều người nhiễm HIV đồng thời bị nhiễm lao. Ngoài các bệnh nhiễm trùng, thì còn có một số bệnh liên quan đến lao như bệnh tiểu đường. Khi điều trị cho bệnh nhân lao mà có thêm bệnh tiểu đường là rất khó vì khả năng kháng bệnh rất kém.”
Với những bệnh nhân mới mắc bệnh lao, thời gian điều trị kéo dài khoảng 8 tháng. Nếu tuân thủ đúng phác đồ trị liệu, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và có thời gian nghỉ ngơi thì bệnh lao được chữa khỏi hoàn toàn và ít có nguy cơ tái nhiễm. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ bệnh nhân lao khỏi bệnh sau điều trị tại huyện Tân Thành đạt từ 85 đến 92 %.
Anh Trần Đức Võ, ngụ xã Tân Hải, huyện Tân Thành nói: “Lần đầu tiên tôi phát hiện bệnh lao thì tôi lo sợ, sau đó tôi lên Trung tâm Y tế huyện Tân Thành, được bác sỹ Minh hướng dẫn cho, các ban ngành xuống động viên tôi được chữa miễn phí không mất tiền, tôi càng yên tâm chữa trị và tôi đã được chữa khỏi.”
Cũng có cảm giác lo sợ khi phát hiện nhiễm lao, anh Châu Phước Phi, ngụ xã Tân Phước, huyện Tân Thành cho biết: “Lúc em mắc bệnh, em lo sợ, sợ chữa tốn tiền nên em giấu giếm, được một người bạn của vợ giới thiệu lên Trạm Y tế rồi sau này khoảng hai tháng căn bệnh lao hết, em rất vui mừng.”
Tuy nhiên, việc bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị cũng gặp khó khăn do hoàn cảnh kinh tế mỗi người khác nhau. Và trong thực tế, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao tại Tân Thành vẫn còn thấp. Bởi người mắc lao vẫn mặc cảm, sợ sự kỳ thị của xã hội nên giấu bệnh và chỉ đi khám khi bệnh đã rất nặng. Trung bình, một bệnh nhân lao mỗi năm có thể lây nhiễm sang từ 10 đến 15 người nếu không được cách ly. Như vậy, số bệnh nhân mắc lao chưa được phát hiện sẽ là nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Việc này càng gây khó khăn cho công tác phòng chống lao tại địa phương.
Bác sỹ Trần Kim Minh cho biết thêm: “Trong quá trình điều trị, ngoài việc uống thuốc đều đặn, người mắc lao còn phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và phải có thời gian nghỉ ngơi. Hiện bệnh nhân lao được hỗ trợ miễn phí thuốc điều trị nhưng các hỗ trợ về dinh dưỡng thì không có cho nên nhiều bệnh nhân lao vừa điều trị vừa làm việc nặng dễ bị tái phát trở lại.”
Cũng theo bác sỹ Minh, bệnh lao làm tổn hai đến sức khỏe rất lớn và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Nên khi bệnh nhân thấy bị ho kéo dài từ 2 đến 3 tuần thì phải đi khám ngay để được xét nghiệm đàm miễn phí. Nếu phát hiện bệnh thì sẽ được điều trị đầy đủ 8 tháng. Vấn đề điều trị lao không phân biệt người thường trú hay tạm trú, miễn là bệnh nhân cam kết tham gia điều trị đầy đủ trong 8 tháng. Ngoài đối tượng nghi lao do ho kéo dài trên 2 tuần, thì khi có các dấu hiệu như ho ra máu, sốt về chiều, đau ngực, nổi hạch bất thường, bệnh nhân nên đến các chuyên khoa lao để được khám và điều trị.
Phòng chống căn bệnh này vẫn là yếu tố cần thiết nhất. Vì vậy, người dân cần thường xuyên kiểm tra phổi để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Người lành bệnh có thể hạn chế tình trạng lây bệnh lao bằng cách mang khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn lao lây. Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên phơi nắng các dụng cụ sinh hoạt để sát khuẩn và diệt các loại vi trùng gây bệnh.
Ngô Chiến
Các tin khác

Nhân dân huyện Tân Thành tích cực tham gia hiến máu tình nguyện

Xã hội 

02-04-2013 10:49
Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện được Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Thành triển khai rộng khắp tới từng thôn, ấp, khu phố và tổ dân cư. Qua tuyên truyền, vận động, nhân dân trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia hiến máu, trong đó có nhiều trường hợp hiến máu hơn 20 lần.
 
Từ năm 2005 đến nay, huyện Tân Thành có 5.379 lượt người tham gia
hiến máu
Từ năm 2006, chị Võ Thị Kim Liên (xã Sông Xoài, huyện Tân Thành) đã tham gia hiến máu tình nguyện. Lúc đầu, chị bị người thân phản đối, nhưng chị hiểu “hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp” và không có hại cho sức khỏe, nên đã vượt qua rào cản gia đình để hiến tặng những giọt máu của mình cứu giúp người bệnh trong cơn hoạn nạn. Đến nay, chị Kim Liên tình nguyện hiến máu đến 21 lần, với 25 đơn vị máu.
Chị Võ Thị Kim Liên nói: “Đối với những người bệnh, mình không có của giúp họ thì mình nghĩ giọt máu cũng có giá trị đối với người ta và mình đóng góp chút ít. Sau này được cán bộ Hội Chữ thập đỏ động viên, từ từ ông xã mình cũng đi hiến máy, sau này con cái cũng đi.”
Không chỉ tham gia hiến máu, chị Liên còn tuyên truyền để chồng và các con hiểu được ý nghĩa cao cả của việc hiến máu. Và qua tuyền truyền vận động, cộng với việc chứng kiền sức khỏe của chị Liên được cải thiện rõ rệt khi tham gia hiến máu, nên chồng và hai người con của chị cũng tích cực tham gia.
Anh Nguyễn Đức Tính, chồng chị Võ Thị Kim Liên cho biết: “Lúc đầu vợ tôi đi hiến máu, tôi cũng phản đối, nhưng khi thấy sức khỏe vợ ổn định nên năm 2007 tôi cũng tham gia và đi thì thấy sức khỏe mình càng ngày càng tốt. Mình thấy đó là việc nhân đạo cần phải làm để cứu người. Người nghèo không có tiền mua máu thì mình có máu mình giúp họ. Đến nay cả gia đình cũng hiến được bốn chục lần.”
Tính từ năm 2005 đến nay, huyện Tân Thành có 5.379 lượt người tham gia hiến máu với 4.810 đơn vị máu, trong đó có nhiều trường hợp hiến máu từ 20 lần trở lên.
Không chỉ vận động nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Thành còn thành lập đội “Ngân hàng máu sống” gồm 50 tình nguyện viên. Với tinh thần tự nguyện, kịp thời đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị của bệnh nhân, các tình nguyện viên của đội ngân hàng máu sống huyện Tân Thành luôn sẵn sàng lên đường đi bất cứ đâu, vào bất kỳ thời gian nào khi được điều động.
Anh Bùi Văn Trưởng (xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành). “Tôi tham gia hiến máu từ năm 1999, đến nay đã hiến được 44 lần. Tôi rất vui khi cứu được 2 phụ nữ sinh con đầu lòng bị băng huyết ở Tân Trụ (tỉnh Long An) và  xã Hắc Dịch vào năm 2003, lúc đó, tại các bệnh viện, lượng máu  rất hiếm."
Phong trào hiến máu tình nguyện hiện đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn huyện Tân Thành, thuhút không chỉ trong cộng đồng dân cư, mà lan tỏa ra số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn với  lượng người tham gia năm sau luôn cao hơn năm trước từ 25 đến 50%.
Bà Phạm Thị Hồng Thung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Thành, cho biết: “Năm 2013, chỉ tiêu hiến máu nhân đạo tỉnh giao cho huyện Tân Thành rất cao là 1.709 đơn vị máu (tăng 57% so với năm 2012)… Để đạt được chỉ tiêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp Hội Chữ thập đỏ huyện trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công nhân viên và người lao động tích cực tham gia hiến máu.”
Với thông điệp “Sẻ giọt máu đào - Trao niềm hy vọng”, nhân dân huyện Tân Thành đã và sẽ tiếp tục chia sẻ những giọt máu của mình giúp đỡ các bệnh nhân trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Ngô Chiến
Các tin khác

Quí 1, CA Tân Thành: cấp 2.197 chứng minh nhân dân cho công dân

Pháp luật 

03-04-2013 16:57
Hiện nay, bên cạnh việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ làm chứng minh nhân dân tại đơn vị, Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Tân Thành còn tổ chức làm chứng minh nhân dân lưu động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Theo đó, Đội đã tổ chức 6 đợt làm chứng minh nhân dân lưu động tại các xã, thị trấn và các trường THPT trên địa bàn huyện, góp phần giảm bớt thời gian đi lại và tiết kiệm chi phí cho người dân.
Từ đầu năm 2013 đến nay, Đội đã tiếp nhận 2.197 hồ sơ xin làm chứng minh nhân dân, trong đó hồ sơ xin cấp mới 1.000 trường hợp, cấp đổi lại 793 trường hợp, cấp lại 404 trường hợp. Tất cả các hồ sơ đều được cán bộ, nhân viên trong đội giải quyết nhanh chóng, đúng hẹn.
 Ngô Chiến

Nông dân xã Châu Pha trồng dưa hấu trên đất mía

Kinh tế 

03-04-2013 16:41
Hiện nay, nông dân xã Châu Pha, huyện Tân Thành, đang tận dụng đất trồng mía để trồng dưa hấu nhằm tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Xã Châu Pha hiện có hơn 50 hécta đất trồng mía tím. Vụ mía tím thường kéo dài 9 tháng (từ tháng 6 năm trước đến tháng 2 năm sau). Sau khi thu hoạch xong, bà con nông dân tận dụng đất để trồng dưa hấu.
Theo các hộ dân, dưa hấu là loại cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 70 ngày là có thể cho thu hoạch). Nếu chăm sóc tốt, năng suất dưa hấu có thể đạt 1,5 tấn/ sào. Với giá bán 8 ngàn đồng/1 kg, người trồng dưa thu lời khoảng 60 triệu đồng/1 hécta.

Hội nghị thành lập HTX bưởi da xanh Sông Xoài



Ngày 28/3/2013, UBND xã Sông Xoài (huyện Tân Thành) phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh BRVT tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài.
Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài gồm 53 xã viên (là những người trực tiếp trồng bưởi da xanh), trụ sở chính được đặt tại ấp Phước Bình (xã Sông Xoài), chuyên thu mua các sản phẩm nông nghiệp, cung cấp giống cây trồng, cung cấp vật tư nông nghiệp và tư vấn quy trình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn Vietgap.  Tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ 365 triệu đồng, trong đó vốn do xã viên đóng góp là 90 triệu đồng, còn lại là vốn vay dự án và các nguồn khác. Dự kiến mỗi ngày, Hợp tác xã tiêu thụ từ 1 đến 1,5 tấn bưởi da xanh. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sẽ chia theo vốn đóng góp của xã viên.
Bưởi da xanh bắt đầu được người dân xã Sông Xoài trồng thử nghiệm vào năm 2001 trên diện tích 1,5 hécta. Đến nay, toàn xã có khoảng 60 hộ trồng bưởi da xanh với tổng diện tích hơn 30 hécta. Hiện, bưởi da xanh được bà con nông dân bán đại trà cho thương lái nên giá cả không ổn định. Việc thành lập HTX bưởi da xanh Sông Xoài nhằm tạo thương hiệu và đầu ra cho bưởi da xanh của địa phương. Đây cũng là đầu mối liên kết giữa nhà vườn với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, góp phần bình ổn giá, bảo vệ quyền lợi cho nhà vườn. Tham gia hợp tác xã, các xã viên còn được hỗ trợ vốn sản xuất, phân bón và kỹ thuật trồng bưởi đạt năng suất, chất lượng cao.
Hội nghị đã bầu ra ban quản trị hợp tác xã, ông Phạm Văn Ta được xã viên tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTX bưởi da xanh Sông Xoài (nhiệm kỳ 2013 - 2015)