Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Huyện Tân Thành: Phòng chống bệnh lao còn gặp nhiều khó khăn


20-03-2013 15:30
Huyện Tân Thành hiện là địa phương nằm trong vùng dịch tễ lao cao nhất tỉnh BR-VT (tính trên 100 ngàn dân). Trung bình mỗi năm, toàn huyện có 200 ca mắc được trung tâm y tế huyện điều trị.
 
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm y tế huyện Tân Thành tiếp nhận và điều trị cho 45 ca lao mới
Lao là bệnh dễ lây nhưng cũng dễ chữa trị nếu bệnh nhân tuân thủ theo phác đồ trị liệu của bác sỹ. Tuy nhiên, nhiều người bị nhiễm lao có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, công việc không ổn định nên việc chữa trị gặp trở ngai, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống lao ở địa phương.
Chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, Trung tâm y tế huyện Tân Thành tiếp nhận và điều trị cho 155 người mắc bệnh lao, trong đó có 45 ca lao mới, còn lại là bệnh nhân lao tái nhiễm. Trong số 155 ca lao đang điều trị có 121 ca mang nguồn lao lây.
Bác sỹ Trần Kim Minh, Đội trưởng đội y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Tân Thành cho biết: “Huyện Tân Thành có nhiều nhà máy, xí nghiệp, cụm cảng, do vậy lượng dân cư từ các địa phương khác đến làm việc tại các KCN rất nhiều. Đó là các đối tượng có rất nhiều nguy cơ mắc lao. Do đời sống của họ thiếu thốn, ăn uống không đầy đủ, nơi ở chật chội, ảnh hưởng nhiều đến việc phòng chống lao. Quản lý và điều trị cho những người này rất khó, nếu ở đây không có việc làm họ lại bỏ đến nơi khác để tìm việc mới cho nên việc điều trị gián đoạn.
Bên cạnh đó, ở huyện Tân Thành có một số mỏ tẩy đá granit, người dân làm việc cực nhọc họ hít phải bụi đá dẫn đến viêm phổi và rất dễ mắc bệnh lao. Dịch HIV/AIDS cũng là nguy cơ dẫn đến tăng số bệnh nhân lao. Hiện huyện Tân Thành đứng thứ hai toàn tỉnh về số người nhiễm HIV và nhiều người nhiễm HIV đồng thời bị nhiễm lao. Ngoài các bệnh nhiễm trùng, thì còn có một số bệnh liên quan đến lao như bệnh tiểu đường. Khi điều trị cho bệnh nhân lao mà có thêm bệnh tiểu đường là rất khó vì khả năng kháng bệnh rất kém.”
Với những bệnh nhân mới mắc bệnh lao, thời gian điều trị kéo dài khoảng 8 tháng. Nếu tuân thủ đúng phác đồ trị liệu, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và có thời gian nghỉ ngơi thì bệnh lao được chữa khỏi hoàn toàn và ít có nguy cơ tái nhiễm. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ bệnh nhân lao khỏi bệnh sau điều trị tại huyện Tân Thành đạt từ 85 đến 92 %.
Anh Trần Đức Võ, ngụ xã Tân Hải, huyện Tân Thành nói: “Lần đầu tiên tôi phát hiện bệnh lao thì tôi lo sợ, sau đó tôi lên Trung tâm Y tế huyện Tân Thành, được bác sỹ Minh hướng dẫn cho, các ban ngành xuống động viên tôi được chữa miễn phí không mất tiền, tôi càng yên tâm chữa trị và tôi đã được chữa khỏi.”
Cũng có cảm giác lo sợ khi phát hiện nhiễm lao, anh Châu Phước Phi, ngụ xã Tân Phước, huyện Tân Thành cho biết: “Lúc em mắc bệnh, em lo sợ, sợ chữa tốn tiền nên em giấu giếm, được một người bạn của vợ giới thiệu lên Trạm Y tế rồi sau này khoảng hai tháng căn bệnh lao hết, em rất vui mừng.”
Tuy nhiên, việc bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị cũng gặp khó khăn do hoàn cảnh kinh tế mỗi người khác nhau. Và trong thực tế, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao tại Tân Thành vẫn còn thấp. Bởi người mắc lao vẫn mặc cảm, sợ sự kỳ thị của xã hội nên giấu bệnh và chỉ đi khám khi bệnh đã rất nặng. Trung bình, một bệnh nhân lao mỗi năm có thể lây nhiễm sang từ 10 đến 15 người nếu không được cách ly. Như vậy, số bệnh nhân mắc lao chưa được phát hiện sẽ là nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Việc này càng gây khó khăn cho công tác phòng chống lao tại địa phương.
Bác sỹ Trần Kim Minh cho biết thêm: “Trong quá trình điều trị, ngoài việc uống thuốc đều đặn, người mắc lao còn phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và phải có thời gian nghỉ ngơi. Hiện bệnh nhân lao được hỗ trợ miễn phí thuốc điều trị nhưng các hỗ trợ về dinh dưỡng thì không có cho nên nhiều bệnh nhân lao vừa điều trị vừa làm việc nặng dễ bị tái phát trở lại.”
Cũng theo bác sỹ Minh, bệnh lao làm tổn hai đến sức khỏe rất lớn và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Nên khi bệnh nhân thấy bị ho kéo dài từ 2 đến 3 tuần thì phải đi khám ngay để được xét nghiệm đàm miễn phí. Nếu phát hiện bệnh thì sẽ được điều trị đầy đủ 8 tháng. Vấn đề điều trị lao không phân biệt người thường trú hay tạm trú, miễn là bệnh nhân cam kết tham gia điều trị đầy đủ trong 8 tháng. Ngoài đối tượng nghi lao do ho kéo dài trên 2 tuần, thì khi có các dấu hiệu như ho ra máu, sốt về chiều, đau ngực, nổi hạch bất thường, bệnh nhân nên đến các chuyên khoa lao để được khám và điều trị.
Phòng chống căn bệnh này vẫn là yếu tố cần thiết nhất. Vì vậy, người dân cần thường xuyên kiểm tra phổi để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Người lành bệnh có thể hạn chế tình trạng lây bệnh lao bằng cách mang khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn lao lây. Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên phơi nắng các dụng cụ sinh hoạt để sát khuẩn và diệt các loại vi trùng gây bệnh.
Ngô Chiến
Các tin khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét