Vào những ngày
cuối năm, không khí đón Tết cổ truyền rộn ràng trên khắp đường làng,
ngõ xóm ở Việt Nam.
Tiết trời vào Xuân, cây cối như khoác lên mình một màu áo mới. Trăm hoa
đua sắc. Gương mặt của mọi người như rạng rỡ hơn. Cứ nghĩ đến những
cảnh tượng này, trong lòng tôi lại trào dâng cảm xúc nhớ quê nhà.
Mùa hè
năm ngoái, tôi sang LB Nga sinh sống. Được sang đất nước của xứ sở Bạch
Dương và dòng sông Volga làm việc là
mong ước bấy lâu của tôi. Điều tôi mong chờ hơn cả là được cảm nhận
phút giây đón Tết Nguyên đán xa nhà. Rồi Tết Nguyên đán cũng đã đến.
Nhưng
thay vì vẻ hào hứng ban đầu, thì tôi lại ngồi trên chiếc ghế sopha đưa
ánh mắt về nơi xa xăm để nhớ đến những cái Tết đã qua.
Nước Nga không đón Tết theo lịch của người Việt. Nên vào ngày Tết,
người Việt Nam
trên đất nước Nga vẫn đi làm như những ngày bình thường khác. Chỉ có
điều khác ngày thường là ở các chợ, các ốp nơi có người Việt sinh sống
cũng bày bán một vài cành hoa mai, hoa đào và bánh chưng, bánh tét.
Những
ngày cuối tháng 12 Âm lịch, thời tiết ở nước Nga lạnh giá. Có ngày
nhiệt độ xuống dưới -20oC. Do vậy, nhiều người Việt đã nghỉ bán hàng
ngoài chợ để đi mua thực phẩm về ăn Tết. Một số người có điều kiện thì
đặt vé máy bay về đón Tết ở Việt Nam. Tại khu căn hộ nơi tôi
ở cũng vậy, mọi người cũng mua đồ làm cơm tất niên. Bữa cơm cuối năm
đầm ấm nhưng lại phảng phất trên gương mặt mỗi người vẻ suy tư. Căn hộ
có tổng cộng 9 người Việt (cả tôi). Mặc dù chỉ mới biết nhau nhưng mọi
người rất thân thiện và coi nhau như người trong gia đình.
Sau
bữa cơm tất niên ít phút, 3 trong số 9 người sẽ trở về Việt Nam đón
Tết cùng gia đình. 2 người khác xuống thành phố Upha đón Tết cùng đồng
hương. Chỉ còn Hương, Vy, Oanh và tôi ở lại Matxcơva. Cả căn phòng đang
vui bỗng chốc trở nên lặng lẽ. Những người về nước chúc người ở lại đón
Tết vui vẻ, còn người ở lại thì căn dặn người về Việt Nam cố gắng gửi
hộ vài tấm hình hay một hai hộp kẹo làm quà cho người thân.
Dọn
dẹp bàn ăn xong, để vơi đi nỗi nhớ nhà, mấy người phải ở lại đây vào
dịp Tết này cùng ngồi nói chuyện, chia sẻ những cái Tết quê khi chúng
tôi mới lên 9, lên 10. Hương ở Nghệ An, Vy ở Phú Thọ, Oanh ở Hải Dương,
còn tôi ở Hà Nội. Mỗi người một tỉnh, thành phố khác nhau nhưng giờ
chúng tôi cùng có chung một nỗi nhớ nhà...
Hương
nói, nếu giờ này ở Việt Nam
mình đang phụ giúp mẹ lau dọn nhà cửa và chuẩn bị cơm, canh cúng Giao
thừa.
“Quê
mình làm ruộng nên mình mong Tết đến để được nghỉ ngơi, vui chơi, gặp
gỡ bạn bè”, Vy tâm sự.
“Những
ngày giáp Tết mình hay được bố mẹ cho về quê ngoại ở Thanh Hóa để tạ mộ
ông bà và thăm họ hàng.…..” Oanh chia sẻ.
Còn
tôi, nếu giờ này ở Việt Nam, tôi cũng đang đi mua sắm một số thực phẩm
để dùng trong 3 ngày Tết, rồi cùng em gái ra chợ chọn một cây hoa đào
và một bó hoa layơn về trưng Tết; tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt
để đêm Giao thừa cùng anh chị em trong nhà lên bờ Hồ xem bắn pháo hoa
và đến chùa Quan Hoa để xin lộc đầu năm mới…
Chuông
đồng hồ đổ 12 tiếng, khoảnh khắc Giao thừa đã đến, cả phòng yên lặng
đón chờ giây phút thiêng liêng, giây phút chuyển giao giữa năm cũ và
năm mới. Tôi nhắm mắt lại và cầu mong năm mới sẽ mang đến những điều
tốt đẹp nhất cho tôi và gia đình. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, tôi
cũng không quên cầu chúc cho anh một năm mới, hạnh phúc, bình an.
Khi ở
Việt Nam,
chúng tôi gặp gỡ nhau thường xuyên nên dường như tôi ít để ý đến tình
cảm anh dành cho mình. Nhưng khi xa quê, tôi thấy những tình cảm đó
thật trân trọng, cao cả. Tôi đã nghĩ, nếu như anh cũng ở Maxcơva có lẽ
giờ này anh đang đưa tôi đi dạo quanh hồ Baicanxkaia để ngắm thành phố
vào đêm. Hay ít ra anh cũng đưa tôi đi thăm một vài người bạn và cùng
họ đến nhà hàng Hà Nội ở khu trung tâm để đón năm mới, rồi khoác thêm
cho tôi 1 chiếc khăn len khi bước ra xe về nhà như anh đã từng chăm sóc
tôi khi ở Việt Nam.
Nhưng tất cả giờ đã đi qua, anh mang theo hương Xuân Việt Nam đến
đất Mỹ xa xôi. Còn tôi ngắm nhìn rừng Bạch Dương trụi lá vì giá rét.
Mỗi người ở một đất nước khác nhau và mang theo hình ảnh đẹp nhất về
những mùa Xuân đã đi qua.
Tuấn Việt (LB Nga)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét