Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Huyện Tân Thành: Trường TH Nguyễn Huệ tổ chức hội trại kỷ niệm 82 năm ngày thành lập đoàn (26/3/1931 - 26/3/2013)





Nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, trong 2 ngày (23&24/3), Trường tiểu học Nguyễn Huệ (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành) tổ chức hội trại truyền thống lần thứ 3 năm 2013 với chủ đề “Tiến bước lên đoàn”.


Tham gia hội trại lần này có gần 800 cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (xã Mỹ Xuân) cùng 30 học sinh đến từ Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Phước Hòa). Trong hai ngày diễn ra hội trại, nhà trường đã tổ chức các trò chơi như kéo co, ném còong, đổ nước vào chai, chuyền bóng tiếp sức, đua ghe ngo, đua thuyền thúng, bịt mắt đập loong, thi nấu ăn, đốt lửa trại v.v… thu hút đông đảo học sinh tham gia.


Hội trại truyền thống là sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo điều kiện cho học sinh các khối lớp gặp gỡ, giao lưu. Qua đó, giúp các em phát huy tính sáng tạo, sống hòa đồng với bạn bè, tích cực giúp đỡ nhau trong học tập để trở thành những đội viên tiên phong của trường, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.



Đoàn cơ sở Nhà máy Đạm Phú Mỹ: Tuần hành tuyên truyền an toàn giao thông đường bộ



 
Ngày 24/3, Đoàn cơ sở Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Công ty Cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ (thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí) phối hợp với Ban chấp hành đoàn thanh niên thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành) tổ chức Lễ tuần hành tuyên truyền an toàn giao thông đường bộ. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 82 năm ngày thành lập đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2013)
Gần 100 đoàn viên, thanh niên của Đoàn cơ sở Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Công ty Cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ và thị trấn Phú Mỹ đã đi xe mô tô xuất phát từ Cư xá Đạm Phú Mỹ tuần hành dọc các tuyến đường chính trên địa bàn thị trấn Phú Mỹ mang theo những khẩu hiệu tuyên truyền an toàn giao thông như “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, “Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông”, “An toàn giao thông trách nhiệm của mỗi người”, “Tuân thủ tốc độ khi lái xe”, “Điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường”, “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy”.v.v…
Ngay sau Lễ tuần hành, các bạn đoàn viên, thanh niên của các đơn vị nói trên đã tiến hành treo băng rôn, pano tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ tại cổng các trường học, Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng thị trấn Phú Mỹ. Hoạt động này, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên nói riêng và nhân dân trên địa bàn thị trấn Phú Mỹ nói chung khi tham gia giao thông, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giảm thiểu số vụ tai nạn, va chạm giao thông trên địa bàn huyện Tân Thành.

Huyện Tân Thành: 3.000 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi




Chiều 21/3/2013, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Thành tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động (2003 - 2013).
Từ năm 2003 đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Thành đã giải ngân vốn cho 38.071 lượt hộ dân, với tổng dư nợ 325 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo đạt 138 tỷ đồng, hỗ trợ học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn gần 62 tỷ đồng, hỗ trợ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó hơn 25 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm gần 37 tỷ đồng, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường gần 17 tỷ đồng, còn lại là cho vay thương nhân vùng khó khăn, xuất khẩu lao động và xây nhà cho người nghèo theo quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. 10 năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước, huyện Tân Thành đã có hơn 3.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho gần 10 ngàn lao động địa phương, gần 2.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường và 84 hộ nghèo có nhà ở ổn định.
Trong thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Thành tiếp tục thực hiện phương thức cho vay ủy thác bán phần thông qua các tổ chức chính trị xã hội và cho vay trực tiếp tại phòng giao dịch, nhằm tạo điều kiện để tất cả các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2015, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Thành đạt 100 % hệ số sử dụng vốn, duy trì mức nợ quá hạn dưới 1% trên tổng dư nợ.
Dịp này, 10 hộ nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách, 18 tập thể, 35 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách giai đoạn 2003 - 2013 đã vinh dự được nhận giấy khen do UBND huyện Tân Thành trao tặng.
,

Đêm văn hóa ẩm thực chào mừng 82 năm ngày thành lập đoàn


Tối 24/3, tại Trung tâm thương mại huyện Tân Thành, Ban chấp hành đoàn thanh niên thị trấn Phú Mỹ tổ chức đêm văn hóa ẩm thực chào mừng 82 năm ngày thành lập đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2013).

Tham gia đêm văn hóa ẩm thực có 7 gian hàng (trong đó 6 gian hàng của đoàn viên, thanh niên thị trấn Phú Mỹ và 1 gian hàng của Công ty Cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ). Các gian hàng chủ yếu bày bán đồ ăn nhanh và đồ uống như bánh ướt, bún thịt nướng, chè, sinh tố.v.v..... Trong đêm văn hóa ẩm thực, các bạn đoàn viên, thanh niên thị trấn Phú Mỹ còn biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, đoàn, biển đảo quê hương và biểu diễn thời trang.

Đêm văn hóa ẩm thực đã thu hút đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên và nhân dân trên địa bàn thị trấn Phú Mỹ đến xem và thưởng thức.

Huyện đoàn Tân Thành tổ chức chương trình về nguồn và họp mặt truyền thống




Vừa qua, hơn 200 đoàn viên, thanh niên huyện Tân Thành đã về thăm căn cứ cách mạng Núi Dinh và họp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2013).
Trong đợt về nguồn này, các bạn đoàn viên, thanh niên huyện Tân Thành đã dọn dẹp vệ sinh khu căn cứ Núi Dinh, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh giành lại độc lập tự do cho dân tộc; tham quan những địa danh lịch sử và nhà truyền thống - nơi trưng bày các hiện vật, tài liệu là dẫn chứng cho cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế Quốc Mỹ của quân và dân tỉnh BRVT.
Ngoài ra, các đoàn viên thanh niên còn tham gia sinh hoạt tập thể, thi tìm hiểu lịch sử Đoàn, ôn lại truyền thống 82 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tham gia các trò chơi do huyện đoàn Tân Thành tổ chức.   
Dịp này, Huyện đoàn Tân Thành đã trao kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” của Trung ương đoàn cho 3 cựu cán bộ đoàn; đồng thời tặng 15 phần quà với tổng trị giá 12 triệu 500 ngàn đồng cho đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.





Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Huyện Tân Thành: 50 cán bộ mặt trận và các tổ chức thành viên đóng góp ý kiến cho Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp


Ngày 4/3/2013, UBMTTQVN huyện Tân Thành tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra ý kiến đóng góp, sửa đổi tập trung vào Lời nói đầu, Chương I (Chế độ chính trị) và Chương II (Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân). Các đại biểu cho rằng Lời nói đầu cần viết ngắn gọn, súc tích, phải khẳng định rõ lịch sử Việt Nam là bao nhiêu năm (không nên viết chung chung là mấy nghìn năm, hàng ngàn năm) hoặc “Mỗi bản Hiến pháp đều khẳng định những thành quả to lớn của nhân dân Việt Nam” chứ không phải “đều ghi nhận” như đã ghi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tại điều 9 (Dự thảo sửa đổi) cần làm rõ hơn chức năng, quyền hạn của các tổ chức thành viên mặt trận; cần giữ nguyên điều 66 Hiến pháp năm 1992 nói về thanh niên.
Ngoài ra, các đại biểu còn bổ sung, sửa đổi, thay thế và ghép một số từ, cụm từ, một số nội dung ở từng điều, từng chương cụ thể; đồng thời đề nghị cần thống nhất cách sử dụng các từ đồng nghĩa, hạn chế tối đa việc dùng từ hán việt và phải có phụ lục giải thích những từ mang tính chất chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu lực của Hiến pháp khi áp dụng vào thực tiễn.

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

BCHQS huyện Tân Thành triển khi nhiệm vụ hiệp đồng huấn luyện quân nhân dự bị năm 2013


Chiều 7/3, BCH Quân sự huyện Tân Thành tổ chức hội nghị hiệp đồng huấn luyện quân nhân dự bị năm 2013. Tới dự có đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, các đơn vị nhận nguồn và chỉ huy trưởng quân sự 10 xã, thị trấn của huyện Tân Thành.
Tại hội nghị, các đơn vị giao - nhận nguồn quân nhân dự bị đã thống nhất quân số, thời gian, địa điểm và nội dung huấn luyện. Theo đó, các xã, thị trấn của huyện Tân Thành giao và đưa quân nhân dự bị cho các đơn vị tổ chức huấn luyện (gồm Trường quân sự tỉnh, Trường sỹ quan quân khu 7, Trung đoàn Minh Đạm và BCHQS huyện Tân Thành) phải đảm bảo đạt quân số trên 98%, trong đó cán bộ và sỹ quan dự bị phải đạt 100%, đồng thời đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định. Đối với các đơn vị tiếp nhận quân nhân dự bị phải đảm bảo huấn luyện đủ quân số và nội dung chương trình huấn luyện, chi trả chế độ cho quân nhân dự bị đúng quy định. Khi kết thúc huấn luyện phải có trách nhiệm bàn giao đủ quân số; đồng thời có nhận xét kết quả huấn luyện đối với từng quân nhân dự bị gửi về các xã, thị trấn của huyện Tân Thành để sơ kết rút kinh nghiệm.

BCHQS huyện Tân Thành bế mạc lớp tập huấn cán bộ huấn luyện năm 2013

 
Chiều 7/3, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tân Thành tổ chức Lễ bế mạc lớp tập huấn cán bộ huấn luyện năm 2013 cho 77 học viên là Phó chỉ huy quân sự 10 xã - thị trấn, trung đội trưởng dân quân cơ động, thôn ấp đội, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng tự vệ của các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn huyện Tân Thành.
Trong thời gian 7 ngày (từ ngày 1/3 đến ngày 7/3/2013), các học viên đã được học tập, nghiên cứu các nội dung về xây dựng thôn, ấp vững mạnh; công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ; phương pháp làm giáo án, phê duyệt giáo án huấn luyện quân sự; thực hành viết giáo án huấn luyện đội ngũ chiến thuật; huấn luyện điều lệnh đội ngũ, huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh.  Kết quả lớp tập huấn 100% học viên đạt khá giỏi.
Lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng soạn thảo giáo án và thực hành thông qua giáo án huấn luyện đội ngũ chiến thuật cho cán bộ phụ trách huấn luyện các xã, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp có tự vệ, góp phần vào việc huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ của địa phương đạt chất lượng cao.



Nhọc nhằn mư sinh

Xã hội BRT.VN

05-03-2013 14:52
Trong xã hội hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhận vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình. Để đảm đương vai trò này, các chị em đã phải nỗ lực rất lớn. Đối với những phụ nữ chưa có điều kiện học vấn, lẫn học nghề, để chăm lo kinh tế gia đình, nhiều chị em phải làm cả những việc ngoài sức vóc.
Nói đến làm gạch ngói, người ta thường nghĩ đến công việc của những người đàn ông khỏe mạnh. Nhưng tại Công ty Cổ phần Gạch ngói Gốm xây dựng Mỹ Xuân, huyện Tân Thành hiện có 141 lao động nữ.
Để có được viên gạch, viên ngói hoàn chỉnh phải qua các công đoạn từ nhào trộn đất đến cắt Galet, dập khuôn, phơi khô, sấy khô rồi cho vào nung... Hầu hết các công đoạn đều nặng nhọc và đòi hỏi phải tập trung cao, vậy mà, lại được bàn tay của các nữ công nhân ở đây làm một cách thuần thục.
 
Người phụ nữ nhỏ bé, vẫn cần mẫn làm việc dưới cái nắng chói chang

Những gương mặt sạm lại vì nắng gió, những đôi tay chai sần, khô khốc vì đất, khuôn đúc, lò nung… Công việc vất vả cứ nối tiếp nhau qua bao tháng ngày không dứt, nhưng bù lại các chị được công ty quan tâm, chia sẻ kịp thời những khó khăn nên thấy vui và an tâm làm việc.
Chị Lương Thị Vân làm trong Tổ xếp phơi, Công ty Cổ phần Gạch ngói Gốm xây dựng Mỹ Xuân, cho biết: “Đối với người phụ nữ, công việc ở đây rất nặng nhọc. Chính vì công việc nặng nhọc nên Công đoàn công ty rất quan tâm chăm lo cho chị em phụ nữ, nhất là vào các ngày 8/3, 20/10 hay thăm hỏi khi ốm đau.”
Còn chị Trần Thị Hà đã làm tại công ty được 9 năm, chị rất hài lòng với công việc hiện tại. “Chị chuyển qua tổ phân loại được 4 năm, thu nhập cũng được hơn 4 triệu một tháng. Nói chung công việc ở đây so với phụ nữ thì cũng hơi nặng. Nhưng ở đây thời gian nghỉ ngơi nhiều, ngày làm đúng 8 tiếng, trưa có thể về lo cho con học hành. Công việc ở đây vất vả bù lại có công việc làm đều đặn thì cũng vui.”
Là phụ nữ, ai cũng muốn tìm được công việc có thu nhập ổn định và môi trường lao động an toàn, phù hợp với sức khỏe của mình. Chị Trần Thị Hoa (xã Phước Hòa, huyện Tân Thành) hiểu điều đó, nhưng do trình độ học vấn thấp nên chị đành ngày ngày theo chồng đến khu vực mỏ đá xã Tân Phước (huyện Tân Thành) để chẻ đá.
 
Chị Trần Thị Hoa không ngơi tay với công việc

Dưới cái nắng chói chang, cánh tay chị vẫn không ngừng quai búa đập vỡ từng viên đá. Trung bình mỗi ngày, chị Hoa chẻ được 100 viên, thu nhập 200 ngàn đồng.
“Do mình không có học vấn nên chọn theo chồng để đi làm. Làm nghề này, dập tay, chân, bị đá văng cả vào mắt, công việc vất vả nhưng với mình, có con cái ngoan ngoãn, học hành đến nơi đến chốn là thấy mừng rồi…” chị Hoa đầy vẻ tự hào và mãn nguyện khi nói về các con.
Huyện Tân Thành hiện có 12 mỏ đá, với trên 50 cơ sở sản xuất, xuất khẩu đá tẩy - đá chẻ nằm dọc quốc lộ 51, tạo việc làm cho gần 2 ngàn lao động. Trong số này, có khoảng 400 lao động nữ. Thu nhập bình quân từ 2,5 triệu 4 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn chị em là người địa phương, không có vốn liếng, đất sản xuất, lẫn trình độ văn hóa thấp, nên đành chấp nhận chọn công việc nặng nhọc và nhiều rủi ro. Đổi lại những nhọc nhằn của họ là trang trải được chi tiêu trong gia đình, con cái có điều học hành đến nơi đến chốn. Với người phụ nữ, đó cũng là niềm hạnh phúc lớn lao!
Ngô Chiến
Các tin khác

  • Thói quen gây hại cho não(05/03/2013 07:06)
  • Huyện Tân Thành: Triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi

    Thời sự/BRT
    06-03-2013 23:24
    Ảnh minh họa
    Ngày 05/3/2013, UBND huyện Tân Thành tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)
    .

    Dự thảo Luật đất đai sửa đổi gồm 14 chương và 206 điều, trong đó có nhiều điểm mới so với Luật đất đai năm 2003. Đất đai có vị trí quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Vì vậy, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật đất đai là rất cần thiết, nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận, thể hiện nguyện vọng của nhân dân; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật đất đai.

    Tại hội nghị, lãnh đạo huyện Tân Thành yêu cầu các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong huyện thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp để mọi người dân đều được tham gia đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Tất cả ý kiến phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác gửi về Phòng Tài nguyên môi trường huyện Tân Thành, chậm nhất vào ngày 10/3.

                                                                                   Ngô Chiến
    Các tin khác

    Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

    Phóng sự Leo núi ngày xuân



    PTV1
    Thưa quý vị!
    Huyện Tân Thành được thiên nhiên ban tặng nhiều dãy núi cao trùng điệp, quanh năm phủ một màu xanh biếc của những cánh rừng phòng hộ. Dọc theo các triền núi, nhiều ngôi chùa được xây dựng với kiến trúc cổ kính, tạo nên một không gian thiêng liêng huyền bí. Mỗi dịp xuân về, hàng ngàn lượt khách khắp nơi lại đến Tân Thành tham quan, leo núi, vãng cảnh chùa để tìm kiếm cho mình giây phút nghỉ ngơi, thanh thản trước khi bước vào một năm mới đầy thách thức.
    PTV2.        Huyện Tân Thành được bao bọc bởi 4 ngọn núi cao là Núi Dinh, Núi Tóc Tiên, núi Ông Trịnh và núi Thị Vải.
    Núi Dinh hồi trước thế kỷ 19 thường được gọi là núi Trấn Biên, cùng với tên vùng đất rộng lớn Biên Hòa - Bà rịa, gồm các đỉnh Bao Quan cao 504 m, đỉnh núi Dinh cao 491 m, đỉnh núi ông Hựu cao 444 m nằm trải dài trên địa bàn các xã Châu Pha, Tân Hòa, Tân Hải (của huyện Tân Thành). Nơi đây từng ghi dấu bước đường di cư, quá trình khai phá vùng đất Nam bộ của người Việt. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Núi Dinh là căn cứ cách mạng của quân đội ta.
    Ngày xuân có dịp lên Núi Dinh, du khách không chỉ tham quan cảnh đẹp của núi rừng, mà còn được tham quan căn cứ cách mạng của tỉnh ủy, thị ủy Bà rịa - Long Khánh, huyện ủy Châu Đức, tìm hiểu cuộc chiến đấu ác liệt, gian khổ của bộ đội ta trước ngày đất nước toàn thắng.
    Núi Tóc Tiên cao 433 m (còn gọi là núi Bà Ký) nằm ở phía đông bắc huyện Tân Thành, thuộc địa bàn xã Tóc Tiên. Sách Đại Nam nhất thống chí viết “Núi Ký Sơn còn gọi là núi Bà Ký, có tên nữa là núi Tóc Tiên, cách huyện Long Thành 48 dặm về phía đông Nam, đất đá lẫn lộn, suối nước ngon lành, cây rừng rậm rạp, rất nhiều chim muông, người các nơi tụ tập dựng lều làm nghề săn bắn, đốn gỗ để sinh nhai…”.
    Còn núi ông Trịnh cao 215 m (thuộc địa bàn xã Tân Phước) được ví như một chiếc nón giữa vùng đồng bằng. Tên ngọn núi gắn liến với một nhân vật có công trong việc tổ chức, khai phá, xây dựng làng xóm ở vùng đất này.
    Núi thị vải nằm trên địa bàn thị trấn Phú Mỹ và xã Tóc Tiên cao gần 467 m, cây cối mọc um tùm, từng được nhân dân ví như một viên ngọc phơi bày sắc đẹp.
    Từ trên núi cao những dòng suối róc rách chảy xuôi với cái tên dân dã như suối ngọt, suối nghệ, suối rạch ván, tạo nên một khung cảnh thơ mộng. Dọc theo các triền núi, nhiều chùa chiền, am thất được xây dựng với kiến trúc cổ kính. Mỗi dịp xuân về, hàng ngàn lượt khách khắp nơi lại đến Tân Thành tham quan, leo núi, vãng cảnh chùa. Bên cạnh việc tìm cho mình một không gian yên tĩnh thoáng đạt, du khách còn cầu mong vận may đến với gia đình, bản thân.
    PV Anh Lê Minh Thảo (xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành)
    Vào ngày đầu năm được nghỉ mình dành thời gian đi leo núi và lễ chùa. Mình thích không gian yên tĩnh, mát mẻ. Đến đây mình thấy thư thái hơn …
    PV Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận)
              Lần đầu tiên tôi đến tham quan, du lịch ở đây. Tôi thấy Tân Thành rất đẹp, thơ mộng và yên tĩnh. Ở thị xã nơi tôi sống rất đông đúc, ồn ào nên đến những nơi như thế này tôi rất thích và thanh thản hơn.
    PV Anh Trần Văn Nam (thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận).
    Tôi biết huyện Tân Thành từ hơn 20 năm trước nhưng hôm nay mới có dịp đưa gia đình lên đây tham quan. Cảnh vật giờ khác xưa nhiều nhưng rất đẹp. Chúng tôi lên đây để nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mệt mỏi và cũng để lễ chùa để cầu an cho gia đình trong năm mới.
    PTV2.        Trước những nét hoang sơ của núi rừng, gió reo vi vu trên những cành lá, lác đác bên sườn núi một vài cây mai nở bông vàng rực, những chùm hoa đủ màu chấp chới tìm ong bướm…đều mang đến cho mọi người cảm giác thư thái, vui vui. Khi leo lên các đỉnh núi phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh huyện Tân Thành với dòng sông Thị Vải chảy uốn lượn, cùng với các con tàu trọng tải lớn cập cảng xếp, dỡ hàng hóa. Xa xa những làn khói bếp bay lên từ khu dân cư, càng làm cho không gian thêm lãng mạn, huyền bí. Núi, sông, mây, nước hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên, tạo nên một nét đẹp riêng của vùng đất Tân Thành.


                                  

    Huyện Tân Thành: Hơn 400 Cán bộ, công chức, viên chức tham gia góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp


    Ngày 25/2/2013, tại UBND huyện Tân Thành, hơn 400 đại biểu là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, phòng ban; cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ UBMTTQ và các tổ chức thành viên của huyện Tân Thành đã tham gia đóng góp ý kiến cho Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
    Các đại biểu đã thảo luận và đóng góp gần 50 ý kiến, đi sâu làm rõ nội dung, câu chữ và đề nghị bổ sung một số vấn đề cho Lời nói đầu và các chương quy định về Chế độ chính trị; Quyền con người; Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Bảo vệ tổ quốc; Chủ tịch nước; Chính phủ; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; Chính quyền địa phương; Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước được nêu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tất cả các ý kiến góp ý đều được đông đảo đại biểu tham dự hội nghị đồng tình.
              Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý chỉnh sửa bố cục Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, kỹ thuật trình bày văn bản phải rõ ràng, câu chữ đơn giản, dễ hiểu nhưng chặt chẽ, đúng nghĩa, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.