Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Huyện Tân Thành: Nông dân mở rộng diện tích trồng hẹ


Hiện nay, nhu cầu về rau hẹ trên thị trường tăng cao, nên nhiều nông dân ở huyện Tân Thành đã đầu tư vào trồng hẹ.
Đến nay, bà con nông dân xã Châu Pha và Tân Hải (huyện Tân Thành) đã chuyển gần 50 hécta đất trồng các loại rau cải, mùng tơi sang trồng hẹ. Sở dĩ nông dân ồ ạt chuyển sang trồng hẹ là do nhu cầu về rau hẹ trên thị trường hiện tăng cao, giá cả ổn định. Bên cạnh đó cây hẹ dễ trồng, vốn đầu tư ít và hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi trồng khoảng 3 tháng cây hẹ cho cắt lá lần đầu. Sau đó, cứ 3 đến 4 ngày cắt lá một lần. Mỗi năm cây hẹ cho thu hoạch 8 vụ, năng suất đạt từ 1,5 đến 2 tấn/ 1000 mét vuông. Hiện bà con nông dân huyện Tân Thành đang bán hẹ cho thương lái tại vườn với giá dao động từ 8.000 đến 10.000 đồng/1kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm người trồng hẹ thu lời hơn 100 triệu đồng/1 hécta.
Tin đã đưa

Huyện Tân Thành: 27 hộ dân trồng thí điểm cây cacao

Sau 1 năm triển khai mô hình, đến nay cây cacao ở huyện Tân Thành đang sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó có nhiều cây bắt đầu cho trái.
Năm 2011, huyện Tân Thành phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh BRVT triển khai mô hình trồng chuyên canh cây cacao tại 22 hộ dân xã Sông Xoài và 5 hộ dân xã Hắc Dịch, với tổng diện tích 10 hécta. Trung bình mỗi hộ trồng 4.000 mét vuông. Tham gia mô hình, bà con nông dân được Trung tâm khuyến nông hỗ trợ 30% vốn và 100% cây giống; đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cacao.
Đến nay, cây cacao sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó có nhiều cây bắt đầu cho trái. Hiện, cán bộ khuyến nông đang tiếp tục theo dõi, hướng dẫn bà con quy trình, kỹ thuật chăm sóc, bón phân cho cây cacao.
Được biết, cây ca cao cho trái quanh năm. Trung bình mỗi cây cho từ 12 đến 15 kg trái/1 năm. Với năng suất mà loại cây trồng này mang lại, cây cacao sẽ trở thành cây trồng chủ lực của nhiều hộ dân huyện Tân Thành.
Tin đã đưa

Huyện Tân Thành: Gần 200 hộ dân lắp đặt hệ thống tưới phun sương.


Hiện nay, nhiều hộ trồng rau ở huyện Tân Thành lắp đặt hệ thống tưới phun sương nhằm giảm bớt nhân công và tăng năng suất cây trồng.
Tính đến nay, huyện Tân Thành có gần 200 hộ trồng rau màu lắp đặt hệ thống tưới phun sương. Trung bình mỗi hộ lắp đặt trên diện tích 1.000 mét vuông.
Theo các hộ trồng rau thì sử dụng hệ thống tưới phun sương có thể tiết kiệm được 1/3 lượng nước tưới, 80% công tưới và 40% nhiên liệu. Ngoài ra, năng suất cây trồng cũng tăng gấp 2 lần so với tưới tràn theo phương pháp truyền thống. Chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun sương hết khoảng 30 triệu đồng/ 1 hécta cây trồng.
Tin đã đưa

Huyện Tân Thành triển khai Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.


Ngày 29/11/2012, huyện Tân Thành tổ chức hội nghị triển khai Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tham dự hội nghị có gần 200 đại biểu là đại diện các phòng ban của huyện, chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã, thị trấn và các doanh nghiệp cung cấp, sử dụng vật liệu nổ để khai thác đá trên địa bàn huyện.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được công an huyện Tân Thành quán triệt nội dung Pháp lệnh số 16 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, gồm 6 chương, 38 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012; các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ công an về việc quản lý, tiếp nhận, thu gom, phân loại bảo quản, thanh lý tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Chỉ thị số 05 và Kế hoạch số 2751 của UBND huyện Tân Thành về việc triển khai Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Qua đó, nâng cao nhận thức Pháp luật cho lãnh đạo các phòng ban, đoàn thể cũng như các đơn vị, cá nhân trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Được biết, từ năm 1994 đến nay, huyện Tân Thành đã thu gom được 36 khẩu súng các loại, 3 trái bom, 1 quả đạn thu lôi, 247 trái đạn các loại, 1 đầu đạn, 4 quả mìn, 7 quả lựu đạn và 206 vũ khí thô sơ. Bên cạnh đó, Công an huyện Tân Thành còn phát hiện và xử lý 14 vụ (bắt 16 đối tượng) buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, thuốc nổ và công cụ hỗ trợ.
Tin đã đưa

Huyện Tân Thành: 1,188 tỷ đồng xây dựng đường thôn Tân Phú, xã Châu Pha


Ngày 29/11/2012, UBMTTQVN huyện Tân Thành phối hợp với UBND xã Châu Pha tổ chức Lễ khởi công xây dựng đường giao thông nông thôn (thuộc tổ 4 và 5, thôn Tân Phú, xã Châu Pha). Đây là công trình hướng tới chào mừng đại hội Mặt trận tổ quốc các cấp diễn ra trong năm 2013.
Công trình có chiều dài 500 m, mặt đường rộng từ 4 đến 6 m, kết cấu bê tông cốt thép, do UBMTTQVN huyện Tân Thành làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Quang Thắng thực hiện thi công. Tổng kinh phí xây dựng là 1 tỷ 188 triệu đồng. Đây là số tiền do UBMTTQVN huyện Tân Thành vận động các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện quyên góp, giúp đỡ. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 1/2013.
Tin đã đăng

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Huyện Tân Thành: Nhiều khả năng thiếu nước tưới vụ đông xuân


khu vực hồ Châu Pha
 Huyện Tân Thành hiện đang đôn đốc bà con nông dân nạo vét kênh mương, chủ động phòng chống hạn cho vụ đông xuân 2012 - 2013.
Trạm thủy nông huyện Tân Thành cho biết, tại thời điểm này, trữ lượng nước tại các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đảm bảo đủ nước tưới cho diện tích cây trồng của địa phương. Tuy nhiên, do thời tiết đang bước vào mùa khô nên khả năng thiếu nước ở vụ đông xuân 2012-2013 có thể xảy ra.
Vì vậy, để chủ động phòng chống hạn cho vụ đông xuân sắp tới, bà con nông dân cần tập trung nạo vét, phát quang tạo thông thoáng cho dòng chảy trên hệ thống kênh mương, chủ động máy bơm để chống hạn cục bộ khi cần thiết và lập lịch tưới cụ thể cho từng vùng, từng khu vực sản xuất. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra khu tưới để kịp thời điều phối nước cho phù hợp, tránh nơi thừa nơi thiếu nước.
Tin đã đưa 

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Thanh niên huyện Tân Thành hăng hái đi khám sức khỏe, sẵn sàng lên đường nhập ngũ


Để chuẩn bị cho công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2013, thời điểm này Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện Tân Thành đang tổ chức khám sức khỏe cho nam thanh niên từ 18 đến 25 tuổi. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên các nam thanh niên đã đến địa điểm khám đúng thời gian và chấp hành nghiêm việc khám sức khỏe theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự.
          Ngay sau khi được giao chỉ tiêu tuyển quân, Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện Tân Thành đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát số thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự để phân loại từng trường hợp được miễn, tạm hoãn theo quy định. Đây là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét duyệt hồ sơ, thâm nhập tại cơ sở. Trong số 6.940 hồ sơ xét duyệt, Hội đồng nghĩa vụ quân sự các xã, thị trấn đã lựa chọn ra 1.032 thanh niên đủ điều kiện khám sức khỏe cấp huyện.
Thời gian qua, huyện Tân Thành đã thực hiện tốt công tác nắm nguồn, quản lý lực lượng sẵn sàng nhập ngũ; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền Luật nghĩa vụ quân sự. Các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở còn thường xuyên đến tận gia đình tuyên truyền vận động, qua đó thanh niên đều hăng hái đi khám tuyển sức khỏe, sẵn sàng lên đường nhập ngũ.
Thanh niên Nguyễn Xuân Toán (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) cho biết “Nhận được lệnh đi khám của Ban chỉ huy quân sự địa phương thì em xác định mình là người công dân của nước Việt Nam khi tổ quốc kêu gọi thì mình phải lên đường làm nhiệm vụ của một người công dân, một người thanh niên. Em rất mừng và rất mong là đợt khám nghĩa vụ quân sự này em sẽ trúng tuyển để được cống hiến sức mình cho tổ quốc.
Thanh niên Nguyễn Trọng Hoành (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) chia sẻ “Từ khi nhận được lệnh gọi nghĩa vụ quân sự năm 2013, tôi chấp hành đúng thời gian quy định và đã thu xếp công việc, cũng như công việc gia đình để tham dự buổi khám hôm nay. Qua buổi khám tôi rất tự tin vào sức khỏe của mình và mong muốn là qua đợt khám này sẽ trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2013.
Thanh niên Trần Quốc Hải (xã Tân Phước, huyện Tân Thành) nói “Đợt này em xung phong đi nghĩa vụ quân sự, em mong là mình trúng tuyển. Thứ nhất là em muốn hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân của mình. Thứ 2 em muốn đóng góp sức trẻ của mình để bảo vệ an ninh tổ quốc.”
Năm nay, việc tổ chức khám tuyển được Ban Chỉ huy quân sự và Trung tâm y tế huyện Tân Thành phối hợp chặt chẽ về thời gian, địa điểm, vật chất, phương tiện y cụ cùng đội ngũ cán bộ Y, Bác sỹ có trình độ chuyên môn cao. Công tác khám tuyển diễn ra theo đúng trình tự, đảm bảo kết quả nhanh gọn, chính xác.
 Bác sỹ Phan Chánh Phú  (Giám đốc trung tâm y tế huyện Tân Thành) cho biết, “Năm nay nhu cầu khám thanh niên đòi hỏi đạt chất lượng cao cho nên đoàn khám đã chuẩn bị rất kỹ. Về nhân sự năm nay chúng tôi bố trí có 17 nhân sự có đầy đủ các chuyên khoa. Về các phương tiện thì năm nay, đoàn khám mang theo máy đo khúc xạ, máy đo điện tim, máy đo nồng độ khí máu SPO2, máy quay li tâm để làm xét nghiệm máu tại chỗ. Nhìn chung năm nay các thanh niên ra khám rất đầy đủ và đạt tỷ lệ cao.
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy quân sự huyện Tân Thành thì thể lực và sức khỏe của thanh niên năm nay khá tốt. Ngày 5/12/2012, huyện Tân Thành sẽ hoàn tất việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Trên cơ sở kết quả khám tuyển, Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện Tân Thành tiếp tục lựa chọn ra những thanh niên có đủ sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt để gọi nhập ngũ năm 2013.
 Ngô Chiến
(Bài đã đăng trên thời sự BRT)

Ra mắt Câu lạc bộ võ thuật Sơn Trình


Chiều 25/11/2012, tại thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành), Công ty TNHH Sơn Trình tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ võ thuật Sơn Trình, quy tụ gần 100 võ sinh trên địa bàn huyện.
Câu lạc bộ võ thuật Sơn Trình là đơn vị võ thuật đầu tiên của huyện Tân Thành hoạt động theo hình thức tự thu, tự chi về kinh phí, được các huấn luyện viên của Trường đại học thể dục thể thao II, TP.HCM hướng dẫn về chuyên môn.
Ngay sau lễ ra mắt, các môn sinh đến từ Trường đại học thể dục thể thao II (TP.HCM) đã biểu diễn các màn võ Taekwondo và Vovinam như: Bài đòn tấn công, Tứ đấu vũ khí nam, bài tứ đấu nam, tự vệ nữ.v.v….
Câu lạc bộ võ thuật Sơn Trình ra đời nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các bạn trẻ yêu thích bộ môn võ thuật; đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào võ thuật trên địa bàn huyện.
Tin đã đưa

Kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Huyện ủy Tân Thành báo cáo kết quả kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Chiều 26/11/2012, huyện ủy Tân Thành tổ chức hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Ban Thường vụ huyện ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, trong quá trình chuẩn bị tổ chức kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Ban thường vụ huyện ủy Tân Thành đã nhận được 182 văn bản của 43 cơ quan, đơn vị, cá nhân góp ý cho tập thể, cá nhân trong Ban thường vụ huyện ủy. Các ý kiến góp ý đều trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn.
Trong quá trình kiểm điểm, các đồng chí ủy viên Ban thường vụ huyện ủy Tân Thành đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, dân chủ trong đóng góp ý kiến cũng như tiếp thu ý kiến đóng góp. Nội dung kiểm điểm bám sát 3 vấn đề cấp bách, đúng với yêu cầu Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra. Mỗi ủy viên Ban thường vụ huyện ủy đều có kết luận về ưu điểm, khuyết điểm và biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ngô Chiến
(Tin đã đăng trên thời sự BRT)

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Huyện Tân Thành: 3 lò giết mổ gia súc không phép


 







Vào lúc 2 giờ sáng các ngày 22&25/11/2012, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Tân Thành tổ chức kiểm tra đột xuất 3 lò giết mổ heo, bò lậu trên địa bàn. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện 9 con heo, bò được giết mổ không rõ nguồn gốc.
Tại các lò giết mổ heo của ông Trương Đức Dinh và bà Trương Thị Kim Chi (thị trấn Phú Mỹ), đoàn phát hiện tổng cộng 7 con heo lậu đã được mổ, xẻ thịt ngay dưới nền xi măng, cạnh đó là chuồng heo và nhà vệ sinh, nước thải bốc mùi hôi thối nồng nặc.


Cùng thời điểm trên, đoàn đã kiểm tra lò giết mổ bò của ông Phạm Tư (xã Mỹ Xuân). Qua kiểm tra, đoàn phát hiện 2 con bò đã được xẻ thịt. Khu vực giết mổ không được vệ sinh sạch sẽ, vi phạm nghiêm trọng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.


Làm việc với đoàn kiểm tra, 3 chủ cơ sở giết mổ trên không xuất trình được giấy phép hành nghề, cũng như các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số heo, bò đã giết mổ. Các chủ lò giết mổ gia súc này cũng không xuất trình được giấy kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và các giấy tờ liên quan khác.

              Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vụ việc; đồng thời đề nghị UBND huyện Tân Thành ra quyết định xử phạt các chủ cơ sở giết mổ gia súc lậu nói trên.
              Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Tân Thành cũng đã phát hiện tại lò giết mổ của hộ ông Nguyễn Văn Quang (trú tại ấp Bến Đình, xã Mỹ Xuân) có 340 kg heo thối (bao gồm 1 con heo nái và 24 con heo thịt), số heo thịt có trọng lượng từ 15 đến 40 kg/ 1con. Lò của bà Huỳnh Thị Bé (xã Mỹ Xuân) có 224 kg heo chết ướp lạnh
Theo khai nhận của ông Quang và bà Bé thì số heo thối nói trên được mua từ một tiểu thương tại huyện Châu Đức và các địa phương lân cận. Số heo thối sau khi xử lý hóa chất sẽ được bán lại cho một số quán cơm bình dân và tiểu thương tại các chợ trên địa bàn huyện Tân Thành.
Vậy, để đảm bảo sức khỏe và vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên mua thịt heo có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y; không nên ham rẻ mà mua thịt heo ôi thiu, đã biến đổi màu sắc và mùi vị. Khi mua thịt heo về sử dụng phải đun thật chín, không nên ăn tái và tuyệt đối không ăn tiết canh, cháo lòng để phòng trừ các loại vi trùng lây bệnh sang người.

   (Tin đã đăng trên thời sự BRT)

Thoát nghèo nhờ nuôi bò thịt


Theo chân chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Tân Hải, chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh Phạm Văn Thắng (thôn Đông Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành). Trước khi chuyển sang mô hình nuôi bò thịt, vợ chồng ông Thắng cũng đã lăn lộn với đủ loại nghề để mưu sinh.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, năm 1970, ông Thắng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau khi đất nước thống nhất, ông rời quân ngũ trở về với đời thường. Cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Là một người dân vùng biển, ông Thắng cũng như bao ngư dân khác quanh năm phải bám trụ lấy biển để mưu sinh.
            Mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo túng luôn canh cánh trong ông. Năm 1985, ông quyết định đưa vợ và 4 người con rời Nam Định vào xã Tân Hải, huyện Tân Thành lập nghiệp. Thời gian đầu vào Tân Thành, vợ chồng ông cũng lăn lộn với đủ nghề, từ làm rẫy, trồng rừng đến làm thuê, làm mướn, đánh bắt hải sản. Nhờ cần cù, chịu khó chỉ sau 2 năm gia đình ông đã mua được 4.000 m2 đất. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu ông động viên vợ con tận dụng đất trồng chuối, ngô, khoai để có đủ lương thực và chăn nuôi heo, gà với số lượng ít. Mặc dù thu nhập từ trồng trọt cũng không cao, song cũng đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình và nuôi 4 người con ăn học.
Nhận thấy ở địa phương có nhiều đồng cỏ thích hợp cho nuôi bò, năm 2000 ông mạnh dạn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thành 20 triệu đồng để đầu tư nuôi 4 con bò sinh sản. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, mỗi năm đàn bò của ông lại đông thêm. Hiện đàn bò của gia đình ông có 41 con. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu lời hơn 100 triệu đồng từ việc nuôi bò thịt.
Tuy nhiên, số bò nhà ông Thắng nuôi là giống bò vàng địa phương, có tầm vóc nhỏ, năng suất thịt thấp. Năm 2008, Trạm khuyến nông huyện Tân Thành đã tổ chức thực hiện mô hình “cải tạo đàn bò nhà ông bằng phương pháp lai giống bò Zêbu”. Việc dùng bò đực giống Zêbu thuần để lai tạo với đàn bò cái sẽ cho ra thế hệ bò con có tầm vóc lớn hơn, tăng tốc độ sinh trưởng nhanh, nâng cao năng suất thịt và có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu của địa phương.
Bên cạnh việc hỗ trợ gia đình ông 1 con bò lai giống Zêbu, Trạm khuyến nông huyện Tân Thành còn hỗ trợ gia đình ông sửa chữa, xây dựng mới chuồng trại; giúp gia đình ông kỹ thuật nuôi và cách xác định bò cái động dục và sử dụng quy luật phối giống sáng – chiều; chế biến và sử dụng nguồn thức ăn tinh sẵn có ở địa phương như ngô, sắn, cám gạo..v.v..; đồng thời hướng dẫn cách tận dụng, bảo quản thức ăn sẵn có, làm quen với thức ăn mới cũng như cách trồng và chăm sóc cỏ để bổ sung lượng thức ăn.
Ông Thắng cho biết, “hiện con bò đực giống Zêbu phát triển rất tốt, đã bắt đầu cho phối giống. Trong số 26 con bò đang chửa đợt này đều là bò lai”.
Với mô hình nuôi bò thịt, đến nay gia đình cựu chiến binh Phạm Văn Thắng đã thoát nghèo. Các con ông đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.
 (Bài  đã đăng trên báo CCB BRVT)







Xã Sông Xoài mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh



Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, UBND xã Sông Xoài (huyện Tân Thành, tỉnh BRVT)về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, vườn cây kém năng suất sang trồng chuyên canh các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Một trong những loại cây được bà con nông dân lựa chọn trồng nhiều trong thời gian gần đây là bưởi da xanh. Theo đánh giá của một số nhà vườn tại xã Sông Xoài thì bưởi da xanh dễ trồng, ít bị sâu bệnh và dễ tiêu thụ hơn so với các loại cây trồng khác.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn xã Sông Xoài có 40 hộ dân trồng chuyên canh cây bưởi da xanh, với tổng diện tích 35 hécta (tăng 5 hécta so với cùng kỳ năm ngoái). Hộ trồng nhiều nhất gần 2 hécta, hộ trồng ít khoảng 5 sào.  Một trong những hộ có diện tích bưởi da xanh lớn nhất xã Sông Xoài hiện nay là gia đình anh Lê Văn Thảo (tổ 6, ấp Phước Bình) với 1,5 hécta.
Năm 1993, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, anh Thảo cùng gia đình rời tỉnh Trà Vinh lên xã Sông Xoài, huyện Tân Thành mua gần 2 hécta đất để trồng cà phê và hồ tiêu. Năm 1998, khi vườn hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch thì bệnh chết nhanh trên cây tiêu xuất hiện làm hơn 5.000 m2 hồ tiêu nhà anh bị hư hại; bên cạnh đó, giá cà phê và hồ tiêu trên thị trường liên tục bị rớt giá nên lợi nhuận không đáng kể.
Sau khi đi tham quan một số mô hình trồng bưởi ở huyện Xuyên Mộc (tỉnh BRVT) và Làng bưởi Tân Triều (thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), anh nhận thấy bưởi da xanh phù hợp với chất đất ở địa phương. Năm 2000, gia đình anh quyết định phá bỏ 5.000 m2 hồ tiêu chuyển sang trồng 100 cây bưởi da xanh. Toàn bộ cây bưởi giống được anh mua từ Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ.
Năm 2004, vườn bưởi nhà anh bắt đầu cho trái. Thấy trồng bưởi da xanh hiệu quả gấp 2 lần so với trồng hồ tiêu, cà phê, độ an toàn cao hơn và dễ tiêu thụ nên anh quyết định phá bỏ hơn 1 hécta cà phê và vườn tạp để mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh. Để giảm bớt chi phí, anh đã lựa chọn những cây bưởi khỏe, cho trái ngon trong vườn để nhân giống. Hiện trong vườn nhà anh có 350 cây bưởi da xanh, trong đó, có 100 cây bưởi 11 năm tuổi và 250 cây bưởi 7 năm tuổi.
Anh Thảo cho biết “muốn bưởi da xanh sinh trưởng và phát triển tốt người trồng phải lên liếp. Mỗi liếp bưởi được chia thành hai hàng, mỗi gốc cách nhau 4 m. Khi mới trồng, mỗi ngày tưới một lần để cây không mất sức. Đến khi cây trưởng thành, cho trái thì mỗi tuần tưới một lần. Hàng năm, nhà vườn nên xới đất và phủ cỏ quanh gốc để giữ ẩm cho cây. Trung bình cách 75 ngày bón phân một lần, bình quân mỗi gốc bón 300 gram hỗn hợp phân urê, lân và kali. Đến khi trái lớn, nhà vườn nên tăng lượng phân kali để cho trái đẹp, vỏ mỏng, da bóng và tăng độ ngọt. Ngoài ra, vào đầu mùa mưa phải bón thêm từ 10 đến 15 kg phân chuồng để đất tơi xốp, bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cây. Để phòng trừ sâu bệnh ăn hại lá non, sâu đục thân cây, rệp sáp…. người trồng phải thường xuyên thăm vườn và phun thuốc trừ sâu kịp thời”.
            Ưu thế vượt trội của bưởi da xanh là có hàm lượng dinh dưỡng cao, trái to, mẫu mã đẹp, ít hạt và có vị chua ngọt dịu nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhờ đó giá cao hơn so với các loại bưởi khác. Đây là năm thứ 7 vườn bưởi nhà anh cho thu hoạch. Trung bình mỗi gốc bưởi da xanh cho 150 kg trái. Với giá bán cho thương lái tại vườn dao động từ 20 ngàn đồng đến 22 ngàn đồng/1 kg, trừ các khoản chi phí mỗi năm gia đình anh thu lời hơn 250 triệu đồng.
Hiện nay, bưởi da xanh của bà con nông dân xã Sông Xoài chủ yếu bán cho thương lái nên giá cả không ổn định. Hiện đảng ủy, chính quyền xã Sông Xoài đang hoàn tất các thủ tục thành lập tổ hợp tác xã để hướng dẫn bà con nông dân xây dựng vùng đặc chủng dành cho cây có múi (trong đó có bưởi da xanh), nhằm tạo thương hiệu và đầu ra ổn định cho bưởi da xanh để tăng thêm thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể xã còn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh, trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật huyện Tân Thành hỗ trợ bà con nông dân kỹ thuật trồng trọt, cũng như giống cây trồng và vật tư nông nghiệp để người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
(Bài đã đăng trên SI)

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Cá sấu xuất hiện ở khu vực trường học

            Chiều 25/10/2012, Công an xã Tân Phước (huyện Tân Thành) đã phối hợp với nhân dân trên địa bàn vây bắt được một con cá sấu (dài 1,2m, nặng 30kg) tại dòng suối trước cổng Trường THCS Tân Phước. Hiện, địa phương chưa xác định được số lượng cá sấu ở dòng suối là bao nhiêu con. Để đảm bảo tính mạng cho các em học sinh và người dân sống dọc 2 bên bờ suối, lực lượng công an và quân sự xã Tân Phước đã ra quân kiểm tra, xác minh; đồng thời tổ chức bơm cạn nước của dòng suối để tìm kiếm số cá sấu còn lại.
Có mặt tại khu vực cổng Trường THCS Tân Phước (thuộc địa bàn ấp Song Vĩnh, xã Tân Phước), chúng tôi chứng kiến có rất đông người dân đang hỗ trợ lực lượng công an, quân sự xã vây bắt cá sấu. Lực lượng công an đã dùng xung điện nối với bình ăcquy chích điện vào con cá sấu. Sau khi bất tỉnh, cá sấu được đưa lên bờ. Các chiến sỹ công an đã dùng dây trói chân và miệng cá sấu, sau đó chuyển về trụ sở UBND xã Tân Phước.
Anh Lê Văn Tỵ (thợ sơn tại công trình Trường THCS Tân Phước) cho biết, “trong các ngày 19&20/10/2012, tôi thường xuyên nhìn thấy một vật nổi trên mặt nước. Lúc đầu tôi nghĩ đó là một khúc gỗ. Nhưng khi thấy vật chuyển động, tôi đã ra xem và phát hiện 1 con cá sấu. Ngay lập tức, tôi dùng điện thoại di động chụp lại hình ảnh con cá sấu và trình báo sự việc cho công an xã Tân Phước, để bên công an ra bắt”.
Sau khi nhận được tin báo, Công an xã Tân Phước đã xuống ngay hiện trường và xác định có cá sấu đang xuất hiện tại dòng suối chảy qua cổng Trường THCS Tân Phước. Công an xã đã đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường tăng cường bảo vệ học sinh và thông báo cho người dân sống dọc hai bên bờ suối biết để đề phòng cá sấu tấn công; đồng thời tổ chức vây bắt cá sấu. Anh Nguyễn Đại Quốc (Trưởng Công an xã Tân Phước, huyện Tân Thành) cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa xác định được đây là cá sấu nuôi hay cá sấu hoang dã. Công an xã đã lập biên bản gửi Hạt Kiểm lâm huyện Tân Thành để xử lý theo thẩm quyền; đồng thời ra quân kiểm tra và tiến hành bơm cạn nước của dòng suối để tìm kiếm những con cá sấu còn lại, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho các em học sinh cũng như người dân trên địa bàn.”
Theo nhận định của một số người dân xã Tân Phước thì đây là cá sấu nuôi. Vì dòng suối này bắt nguồn từ nghĩa trang ấp Song Vĩnh ra địa phận ấp Ông Trịnh (qua cổng Trường THCS Tân Phước), tồn tại đã nhiều năm, nhưng trước đó chưa từng xuất hiện cá sấu. Vậy, đề nghị các cấp chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần sớm vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc để không gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Ngô Chiến
(Bài đã đăng trên thời sự BRT)

Huyện Tân Thành: Hàng rong “bùng” phát


Những năm gần đây, người dân từ các địa phương khác đến sinh sống, lập nghiệp ở huyện Tân Thành (tỉnh BRVT) ngày càng đông. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống của người dân, hàng trăm nhà hàng, quán ăn đã mọc lên. Bên cạnh các nhà hàng quy mô lớn, đầy đủ tiện nghi thì những xe bán hàng rong và quán ăn tạm với vài ba bộ bàn ghế bày bán trên vỉa hè cũng là nơi ăn uống, nhậu nhẹt của nhiều người.
Đó là hình ảnh thường thấy ở các con đường trên địa bàn huyện Tân Thành như đường 46, đường Vạn Hạnh (thuộc thị trấn Phú Mỹ), đường vào khu công nghiệp Mỹ Xuân A, đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao (xã Mỹ Xuân); đường vào cảng Cái Mép (xã Tân Phước) và dọc quốc lộ 51. Mọi người cứ vô tư ăn uống mặc cho xe cộ, dòng người qua lại cuốn theo bụi, giấy và rác. Cả người bán, người ăn đều mặc nhiên bỏ qua chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm. Dường như họ không quan tâm đến việc thực phẩm “bẩn” chính là nguy cơ lây nhiễm của các loại bệnh như dịch tả, tiêu chảy và giun sán.
Theo ghi nhận của chúng tôi thì tại cổng trường Tiểu học Quang Trung (thuộc khu phố Vạn Hạnh, thị trấn Phú Mỹ) ngày nào cũng có cả chục xe đẩy bán hàng rong, với các món ăn như: bún chả, cơm chiên, bánh mì, bánh ướt, xôi, sữa đậu nành, …. Giá cả các mặt hàng này rất bình dân. Một suất cơm dành cho trẻ em có giá 5000 đồng/ 1 hộp, người lớn 10.000 đồng/ 1 hộp. Bánh mỳ 10.000 đồng /1 ổ. Bánh ướt, sữa đậu nành khách muốn mua bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. Hầu như các loại thực phẩm này đều không được che đậy. Người bán hàng đều tay trần bốc bún, bánh ướt, cầm bánh mỳ đưa cho khách. Nếu phát hiện có sợi tóc trong hộp bánh ướt, hộp cơm hay ổ bánh mỳ thì đó cũng là chuyện bình thường và cũng không mấy ai phàn nàn. Vì hầu như ai mua hàng cũng vội vàng để còn kịp giờ đi làm nên sẵn sàng bỏ qua những lỗi mất vệ sinh của “chủ hàng bán rong”.
Theo một số người dân sống quanh khu vực này thì những hàng bán rong đã hoạt động ở đây từ nhiều năm nay. Họ thường bán từ 5 đến 10 giờ sáng. Đã nhiều lần chính quyền địa phương ra quân ngăn chặn tình trạng bán hàng rong nhưng chỉ dẹp được khoảng thời gian ngắn lại "bùng" trở lại.
Không chỉ có các xe bán hàng rong, mà các quán bán chè, bán nước giải khát vỉa hè trên địa bàn huyện Tân Thành cũng tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cao. Tất cả dụng cụ bán hàng ở các quán này đều không được che đậy và không được vệ sinh sạch sẽ. Người bán hàng không đeo găng tay. Bên cạnh đó, hầu hết các loại thực phẩm của các hàng bán rong đều được chế biến sẵn nên không ai biết được nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng của thực phẩm.
Theo thống kê, từ đầu năm 2012 đến nay, trên  địa bàn huyện Tân Thành xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng thức ăn tại các quán ăn, nhậu vỉa hè.
Bác sỹ Phan Chánh Phú (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Thành) cho biết, “theo quy định của Bộ y tế thì người bán hàng rong phải được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần, có giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hành tốt vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này với người bán hàng rong ở huyện Tân Thành hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Vì người bán hàng rong thường không cố định địa điểm bán hàng và trốn tránh mỗi khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra.v.v…”.
Để giải quyết triệt để tình trạng buôn bán hàng rong, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm, huyện Tân Thành cũng cần bố trí việc làm mới hoặc tổ chức các điểm buôn bán tập trung cho bộ phận này, qua đó đưa họ vào quản lý và kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

                                                                                                                  Ngô Chiến
                                                                                                                (Bài đã đăng)

TẤM LÒNG DOANH NHÂN


“Ngay cả khi làm ăn chưa có lời, tôi cũng đã nghĩ đến việc làm từ thiện đó là chia sẻ của ông Lê Ngọc Huy (Giám đốc công ty TNHH Khai thác - Sản xuất Vật liệu Xây dựng Thuận Lập) trong một lần trò chuyện cùng chúng tôi.
Mùa xuân này, ông Huy bước sang tuổi 74. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, song ông Huy vẫn rất minh mẫn và năng động. Ông Huy cho biết, trước đây ông là cán bộ giảng dạy của Phòng Giáo dục – Đào tạo quận Phú Nhuận, TP.HCM. Năm 1994, ông nghỉ hưu. Năm 1998, sau khi thăm dò, nắm bắt thị trường, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Khai thác - Sản xuất Vật liệu Xây dựng Thuận Lập. Năm 2003, ông đầu tư hơn 1,5 triệu đô la Mỹ để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị và dây chuyền khai thác, sản xuất chế biến vật liệu xây dựng. Địa bàn khai thác đá của công ty tại lô 14, núi Thị Vải (thuộc ấp 6, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành).
Hiện nay, công ty của ông đang sử dụng công nghệ visai phi điện để khai thác đá. Theo ông Huy, sử dụng công nghệ vi sai phi điện vào khai thác đá, sản lượng khai thác hàng năm cao gấp 3 lần so với công nghệ visai dây nổ truyền thống. Trung bình mỗi đợt nổ phá đá đạt 7 tấn, độ bay của đá trong vòng bán kính 50m, sóng chấn động và sóng đập không khí thấp; tất cả các quy trình khai thác đá đều dùng phần mềm hỗ trợ, giảm thiểu nhân công lao động và chi phí khai thác; đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn tuyệt đối cho người dân sống gần khu vực mỏ khai thác đá.
Đến nay, Công ty TNHH Khai thác - Sản xuất Vật liệu Xây dựng Thuận Lập đã hoạt động được hơn 10 năm. Sản phẩm của công ty là đá các loại phục vụ cho các công trình hạ tầng cơ sở, làm đường, làm móng, trộn bê tông, làm nhà..v.v..Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở huyện Tân Thành, huyện Châu Đức (tỉnh Bà rịa Vũng tàu) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Trung bình mỗi năm, Công ty TNHH Khai thác - Sản xuất Vật liệu Xây dựng Thuận Lập cung ứng ra thị trường gần một triệu m3 đá, doanh thu hàng năm đạt hơn 90 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động địa phương với mức lương dao động từ 3,5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/ 1 người / 1 tháng (tùy bộ phận).
Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm ổn định cho công nhân viên lao động, thì Công ty TNHH Khai thác - Sản xuất Vật liệu Xây dựng Thuận Lập còn chú trọng chăm lo đời sống cho người lao động. Tất cả cán bộ, công nhân viên lao động tại công ty đều được hưởng chế độ theo quy định của Luật lao động. Để công nhân gắn bó và có trách nhiệm với công việc, công ty thường xuyên thực hiện chế độ lương, thưởng kịp thời; đối với công nhân không có nhà cửa, công ty cho mượn tiền để mua nhà đất; tạo điều kiện cho vợ (hoặc chồng ) làm việc cùng công ty; công nhân ở xa được bố trí nhà ở tập thể, đồng thời được hỗ trợ 2 bữa ăn miễn phí.v.v….;
Không chỉ chăm lo chu đáo cho cán bộ, công nhân viên - lao động tại công ty mà ông Huy còn quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội ở địa phương (nơi công ty đóng chân). Trung bình mỗi năm, công ty của ông hỗ trợ cơ sở vật chất (như đá làm đường, đá làm nhà tình thương) trị giá từ 100 đến 300 triệu đồng.
Mặc dù công việc bận rộn, song ông vẫn dành thời gian tham gia công tác tại Hội khuyến học xã Tóc Tiên và Hội Bảo trợ NTT – TMC & BNN huyện Tân Thành. Từng là một nhà giáo nên ông mong muốn tất cả trẻ em (đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa) được cắp sách đến trường. Thấy trẻ em bỏ học giữa chừng, ông lại cùng Hội khuyến học xã Tóc Tiên và Hội Bảo trợ NTT – TMC & BNN huyện Tân Thành đến tận nhà vận động các em quay lại lớp, rồi tìm hiểu hoàn cảnh của từng em để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời. Đón năm mới Nhâm Thìn năm nay, ông đã trích quỹ phúc lợi xã hội của công ty mua 20 chiếc xe đạp tặng các em học sinh nghèo trên địa bàn huyện Tân Thành. “Làm được nhiều việc nhân đạo tôi thấy tinh thần thoải mái hơn. Nếu chưa làm được tôi luôn canh cánh trong lòng hằng đêm không ngủ được. Tôi luôn mong muốn được góp một phần công sức của mình để giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi trên địa bàn huyện Tân Thành có cuộc sống tốt hơn ông Huy tâm sự.
                                                                                                                       Ngô Chiến
                                                                                                                 (Bài đã đăng)

Xã Tân Hải: Một hộ làm giàu từ nghề trồng Hoa lan

Dendrobium amabile O’Brien 1909Doritis pulcherrima Lindley 1832


 
Huyện Tân Thành hiện có gần 100 hộ dân trồng Hoa lan với diện tích từ 300 m2 đến 2.000 m2. 5 năm trở lại đây, hoa lan của huyện Tân Thành đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam. Nhiều hộ trồng Hoa lan đã bắt đầu tìm hướng đưa loại hoa này ra thị trường Hà nội. Trồng Hoa lan, không đòi hỏi nhiều diện tích nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư và thu lợi nhuận cao.
Chúng tôi đến thăm vườn Hoa lan của gia đình anh Nguyễn Đức Quang, ở thôn Đông Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành vào những ngày đầu xuân Tân Mão 2011. Trước mắt chúng tôi, những đóa Hoa lan với nhiều hình dạng, màu sắc đang lung linh khoe sắc, tỏa hương thơm man mác làm chúng tôi như bị mê hoặc khi dạo bước chiêm ngưỡng khu vườn này. Với diện tích gần 2.000 mét vuông, anh Quang trồng 1.500 gốc địa Lan, Nghinh Xuân (hay còn gọi là Ngọc điểm) và 2.500 giò Phong lan.
Anh Quang cho biết, thoạt đầu anh chỉ trồng vài chục giò Phong lan để thỏa lòng đam mê mà thôi. Mỗi sáng ra, chùm hoa Lan khoe sắc hương thấy tâm hồn thư thái, cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Nhưng sau này, anh nhận thấy Hoa lan không chỉ mang lại vẻ đẹp dịu dàng mà còn có giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, anh đã đầu tư hơn 200 triệu đồng gây dựng vườn lan. Ngoài những giống Lan nhập từ Thái lan như Giáng hương, Giả hạc, Thủy tiên, Hồ điệp, Vũ nữ thì anh còn trồng cả Lan rừng. Hầu hết giống Lan rừng được anh mua từ Đà lạt. Cây Hoa lan được trồng bằng củ. Để nhân giống anh dùng than củi và xơ dừa làm chỗ cho Lan phát triển rễ. Khi cây đã ra từ 3 đến 4 lá mầm, anh bắt đầu ghép vào thân gỗ mục.
Để tạo bóng râm cho Hoa lan, anh dựng lưới che phủ với chiều cao cách mặt đất khoảng 4 mét. Việc làm nhà lưới vừa có tác dụng tạo bóng râm, vừa có tác dụng ngăn ngừa côn trùng khi Lan ra hoa; đồng thời có tác dụng lưu thông gió, luân chuyển không khí, tạo môi trường thông thoáng cho lan. Do đặc tính Lan phải được tưới bằng nước lọc nên anh Quang đã cho lắp đặt hệ thống phun sương tự động. Trung bình mỗi ngày anh tưới 3 lần, sáng, trưa và chiều tối. Bên cạnh đó, cứ hai tuần anh phun thuốc kích thích một lần để cho bộ rễ của Lan phát triển.
Để thu được lợi nhuận cao, anh trồng Lan theo thế kiểng. Toàn bộ Lan giống khi được 4 lá mầm anh bắt đầu cho ghép vào thân gỗ mục. Đây là công đoạn đòi hỏi tính nghệ thuật rất cao. Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, vườn Lan nhà anh Quang đã có một sắc thái riêng. Gỗ cho lan bám, được các nghệ nhân tạo dáng rất công phu, với đầy đủ kiểu dáng như: thân chim hạc, bồ nông, hình trụ.v.v….thân gỗ nhỏ nhất cũng có đến 5 giò Phong lan bám, còn thân cây lớn được ghép 30 giò Phong Lan. Khoảng cách trung bình giữa các giò Phong lan là 5 cm. Với khoảng cách như vậy là phù hợp để hoa và lá Lan phát triển.
Từ khi Hoa lan được trồng, ghép đến khi cây cho thu hoạch thường phải mất 4 năm. Đây là năm thứ hai, gia đình anh Quang cung cấp hoa Lan ra thị trường ngày Tết. Do khâu tạo dáng công phu và cách quảng bá rộng rãi nên vườn Lan nhà anh đã được nhiều người chơi Lan tìm đến. Hoa lan của gia đình anh Quang chủ yếu cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Hà nội và Hải Phòng. Trung bình mỗi giò Lan có giá 50 ngàn đồng. Vụ Lan năm nay, gia đình anh Quang thu lời ước tính trên 200 triệu đồng.
Những làn gió xuân thổi nhẹ làm cho đóa Phong Lan đung đưa, uyển chuyển. Những chùm Hoa lan cao thấp giao nhau, xen nhau, đẹp ở chỗ không đơn điệu. Lan đẹp không chỉ ở những cách hoa nhiều màu: xanh, tím, hồng, vàng trắng, đỏ mà Lan đẹp cả ở lá, với các hình hài đặc thù như hình trụ, hình kiếm, lại có những lá dóng trúc, có lá mượt như nhung, có lá mang gân vàng lấp lánh. Mùa xuân nồng ấm, mỗi giò Phong lan có tới vài chục hoa, đủ màu rực rỡ làm cho mùa xuân thêm đẹp và dịu dàng hơn.
PV Ngô Chiến
(Bài đã đăng trên các
phương tiện truyền thông)

Trường Mầm non Bé Bi

Họp mặt kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Ngày 16/11/2012, Trường mầm non Bé Bi (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) tổ chức họp mặt kỷ niệm 30 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2012).
Sau các tiết mục văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam do các em học sinh biểu diễn, tập thể giáo viên trường Mầm non Bé Bi đã cùng nhau ôn lại truyền thống Ngày nhà giáo Việt nam (20/11). Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, thời gian qua các cô giáo Trường Mầm non Bé Bi luôn quan tâm, chăm sóc chu đáo cho học sinh; kịp thời đổi mới phương pháp dạy phù hợp với khả năng tiếp thu bài của trẻ; qua đó phụ huynh đã yên tâm khi gửi con vào trường. Năm học 2012 - 2013, Trường Mầm non Bé Bi có 126 học sinh theo học tại 4 nhóm lớp. 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn. Tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt 100%.


Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

ĐĐ THÍCH NHUẬN PHƯỚC: HẾT LÒNG VÌ BỆNH NHÂN NGHÈO


 
Năm 1987, Đại đức Thích Nhuận Phước rời huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định vào tu học tại chùa Đại Tòng Lâm. Sau khi tốt nghiệp khóa trung cấp Phật học, thầy tình nguyện ở lại phục vụ nhà trường. Năm 1997, Thầy được Ban trị sự Chùa Đại Tòng Lâm cơ cấu làm Trưởng Ban điều hành Trường trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm. Mặc dù bận rộn với công việc điều hành tại trường, song Thầy vẫn luôn dành thời gian để làm việc thiện. Thầy Phước cho biết “hơn 20 năm sinh sống tại huyện Tân Thành, tôi thấy trên địa bàn huyện còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh cần được cứu giúp”. Với tâm nguyện “cứu một người bằng xây bẩy tòa tháp phủ”, chính vì thế Thầy luôn canh cánh trong lòng là làm sao để những người bệnh nghèo, những đứa trẻ mồ côi có được nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Không chỉ chăm lo, thăm hỏi người tàn tật và hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Thầy Phước còn mạnh dạn đề xuất với UBND huyện Tân Thành cho thành lập bếp ăn tình thương đặt tại Bệnh Viện đa khoa huyện Tân Thành. Mới đầu, do ngân quỹ ít ỏi, Thầy và các cộng sự chỉ có thể nấu 50 suất cơm chay để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo ở bệnh viện này. Nhưng rồi thấy phần lớn gia đình có bệnh nhân đến chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Thành đều rất khó khăn, thầy Phước quyết định tăng lên 100 suất ăn/ 1 ngày. Mỗi suất 10.000 đồng. Ngoài hỗ trợ cho người bệnh, bếp ăn tình thương còn hỗ trợ suất ăn chay miễn phí cho người nhà bệnh nhân. Sau hơn 3 năm hoạt động, đến nay, Bếp ăn tình thương huyện Tân Thành đã hỗ trợ gần 40.000 suất ăn chay miễm phí cho bệnh nhân nghèo trên địa bàn huyện.
Ngô Chiến
Đài Tân Thành
(Bài đã đăng)

CẢNH ĐẸP TÂN THÀNH:

CHÙA ĐẠI TÙNG LÂM – TRUNG TÂM GIÁO HI PHT GIÁO VIT NAM

Huyện Tân Thành không chỉ được bao quanh bởi các dãy núi cao trùng điệp và thơ mộng như: Núi Dinh, núi Thị Vải, núi Ông Trịnh, mà nơi đây còn quy tụ hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, với kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính, trong đó có chùa Đại Tòng Lâm
Tọa lạc tại thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành), Chùa Đại Tòng Lâm được xây dựng vào năm 1958, trùng tu lại vào năm 1982, trên diện tích hơn 100 hécta. Đây là ngôi chùa đẹp nhất Việt Nam. Mỗi năm có hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước hành hương về đây hành lễ và chiêm ngưỡng.
Điện Phật được khánh thành vào năm 2006, ngoài chính điện được bài trí thờ Di Đà Tam Tôn và Thích Ca Tam Tôn, xá lợi phật còn có 10.000 bức tượng được làm bằng đồng dát vàng gắn cố định trên bốn bức tường của điện. Mỗi bức tượng có kích thước 25x30 centimet.
Sau khi tiến hành nghi thức lễ phật cầu an tại Điện Phật, du khách có thể đi tham quan phong cảnh yên bình của Chùa Đại Tòng Lâm.
Vườn Lộc Uyển là nơi mô phỏng ngày Đức Phật ra đời. Toàn bộ quần thể tượng được bài trí dưới bóng cây cổ thụ. Đức Phật đứng giữa, ngón tay chỉ lên bầu trời là dấu hiệu của giải thoát và niềm an lạc vĩnh cửu.
Tượng Phật Bà Quan âm được hoàn thành vào năm 1980 bằng đá nguyên khối, với chiều cao 20m. Tương truyền rằng Quan Âm là con gái thứ ba của vua Trang Vương (nước Hưng Lâm). Lớn lên, mặc dù vua cha ngăn cản nhưng công chúa quyết đi tu. Cuối cùng vua nổi giận, sai đem giết nàng. Diêm vương đưa nàng vào địa ngục, ở đó công chúa biến địa ngục thành Tịnh độ, cứu giúp người hoạn nạn. Diêm Vương thả nàng ra và công chúa tái sinh lại trên núi Phổ-đà (Biển Đông) và trở thành người cứu độ cho ngư dân. Đến khi vua cha bị bệnh nặng, nàng cắt thịt đắp lên chỗ bệnh. Nhà vua khỏi bệnh và nhớ ơn, cho tạc tượng nàng.
Quan Âm hiện thân trong mọi hình dạng để cứu độ chúng sinh, nhất là trong các nạn lửa, nước, quỷ dữ và đao kiếm.
Tọa lạc ở phía trước Điện Phật là tượng Bồ Tát Di Lặc cao 5,1m (kể cả tòa sen), trọng lượng 40 tấn được đúc bằng đá hoa cương. Với nụ cười rạng rỡ, Bồ Tát Di Lặc biểu tượng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc. Có thuyết cho rằng, Phật Di Lặc là hiện thân của Hòa thượng Khế Thử. Thân hình béo tốt, y phục tùy tiện, ngôn ngữ hành vi đều không câu nệ tiểu tiết, có biệt tài dự đoán lành dữ, biết trước nắng mưa gió bão rất linh nghiệm, thần bí khôn lường. “Di Lặc đúng Di Lặc, phân thân ra muôn vàn. Mọi lúc đi dạy người đời, mà người đời không biết”.
Hoàn thành vào năm 2010, bộ tượng Thích Ca Tam Tôn hay còn gọi là ba Đức Thánh Ca được đặt hướng ra mặt hồ Tịnh Liên tạo nên một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp . 
Hồ Tịnh Liên có diện tích 5000 m2, bắt nguồn từ một hồ nước tự nhiên. Năm 2007 hồ được cải tạo. Bao quanh Hồ là 1 bức tường bằng đá. Sau một chặng đường dài đến chùa Đại Tòng Lâm, phật tử và du khách có thể dừng chân bên hồ ngắm cảnh thủy mặc với những hàng cây hoa kiểng thơ mộng. Có nhiều du khách khi đến Chùa Đại Tòng Lâm đã vốc nước hồ lên rửa mặt để xua đi những mệt mỏi, lo toan và cầu mong một cuộc sống an lành.
Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, sau hơn 1.000 ngày chế tác, 48 bức tượng A Di Đà bằng đá hoa cương đã được hoàn thành vào cuối năm 2009. Mỗi tượng cao 3,3 mét, nặng 3,5 tấn. Giữa 48 bức tượng được đặt pho tượng Di Đà Bổn Tôn cao 18 mét bằng bê tông cốt thép hướng về phía Tây (nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời cách đây trên 2.600 năm về trước) tạo nên vườn “Cửu phẩm cực lạc”. Với việc ra đời của 49 bức tượng đã góp phần tạo thêm sự trang nghiêm của Đại Tòng Lâm Tự.
Không chỉ là thánh địa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà Chùa Đại Tòng Lâm còn là nơi đào tạo tu sỹ lớn nhất của cả nước.
Năm 2004 - Phật lịch 2548 - Chùa Đại Tòng Lâm được Tỉnh hội Phật giáo Bà rịa - Vũng tàu tổ chức khóa An cư kiết hạ đầu tiên cho Tăng chúng, Ni chúng về kiết giới tu học tại chùa. Đến nay, Chùa Đại Tòng Lâm đã đào tạo được 5 khóa cao đẳng phật học và 7 khóa trung cấp phật học với gần 2.500 tu sỹ.
 Nhiều tu sỹ sau khi tốt nghiệp tại trường đã ra nước ngoài học tiếp lên thạc sỹ, tiến sỹ. Trong đó có nhiều người sau khi thành danh đã quay trở về chùa Đại Tòng Lâm phụng sự. Có thể kể đến như: Đại Đức Thích Nhuận Trí (tiến sỹ Phật học tại Mỹ) – hiện là Chánh thư ký Ban trị sự tỉnh BR – VT; Đại Đức Thích Nguyên Thái (nghiên cứu sinh tại Thái Lan), hiện tham gia công tác quản trường tại chùa Đại Tòng Lâm.v.v.…
Từ năm 2006 đến nay, Chùa Đại Tòng Lâm đã vinh dự được nhận 5 kỷ lục lớn nhất Việt Nam gồm: Kỷ lục Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam; kỷ lục ngôi chùa có nhiều tượng nhất Việt Nam; kỷ lục Chùa có số Tăng chúng, Ni chúng về kiết giới tu học lớn nhất; kỷ lục tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá hoa cương nặng nhất và kỷ lục Cửu phẩm Liên hoa đẹp nhất.
Với việc trùng tu và phát triển không ngừng, Đại Tòng Lâm Tự đã thực sự trở thành điểm tham quan, tế lễ, cầu may của du khách và phật tử trong và ngoài nước. 
                                                                                                         Ngô Chiến
PV Đài Tân Thành

Mái ấm cho trẻ mồ côi

            Những năm qua, hoạt động chăm sóc và hướng nghiệp cho trẻ mồ côi, cơ nhỡ luôn được Hội Bảo trợ Người tàn tật - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo huyện Tân Thành cũng như các sư thầy tại Tu viện Thanh Long quan tâm thực hiện, qua đó giúp nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, bất hạnh cảm nhận được sự đùm bọc, sẻ chia từ cộng đồng.
Gần 20 năm nay, Tu viện Thanh Long (thuộc địa bàn thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) trở thành ngôi nhà ấm áp, che chở cho hơn 40 trẻ em mồ côi, khó khăn, cơ nhỡ.
Những em được gửi vào tu viện đều là các em trai và hầu hết các em từ nhỏ đã không biết cha mẹ là ai, hoặc cha mất sớm, mẹ không đủ khả năng nuôi dưỡng nên nhờ các sư thầy nuôi dạy.
Đối với những trẻ bị bỏ rơi khi vừa mới sinh ra, sư thầy Trần Minh Hòa (Trụ trì Tu viện Thanh Long) đều báo với chính quyền địa phương để làm giấy khai sinh cho các bé. Những trẻ không biết nguồn gốc, quê quán hay cha mẹ cũng đều được mang họ của sư thầy.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các phật tử gần xa, thì Tu viện Thanh Long còn trồng hoa kiểng để có tiền nuôi dưỡng các em. Mong muốn của sư thầy là tạo cho các em có tổ ấm, được học tập đến nơi đến chốn.
Không chỉ chăm lo cho các em có cuộc sống ổn định và được đến trường, các sư thầy ở đây còn hướng dẫn các em từ 14 tuổi trở lên cách trồng, chăm sóc, tạo dáng bonsai hoa kiểng hoặc tạo điều kiện cho đi học nghề để sau này lớn lên các em có thể tìm được một công việc ổn định. Đối với những em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, sư thầy lại lo kinh phí để các em tiếp tục đi học. Em Nguyễn Minh Sỹ (Trẻ mồ côi) cho biết "Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được các sư thầy chăm lo và cho đi học. Tôi thầm nghĩ nếu không được vô chùa có lẽ tôi đã không thàh đạt như bây giờ".
Được sự hỗ trợ chăm sóc và hướng nghiệp của Hội Bảo trợ Người tàn tật - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo huyện Tân Thành, 3 năm qua các sư thầy trong Tu viện Thanh Long đã phần nào vơi bớt được nỗi lo cơm áo khi mà trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ đến với tu viện ngày càng nhiều và chi phí sinh hoạt, tiền học hành của các em ngày một cao hơn.
Với Hội Bảo trợ Người tàn tật – Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo huyện Tân Thành, thì các hoạt động không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cái ăn, cái mặc cho trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại Tu viên Thanh Long. Hàng năm, Hội còn vận động các tổ chức kinh tế, nhà hảo tâm ̀tặng quà cho các em trong ngày quốc tế thiếu nhi 1/6; trao xe đạp, học bổng cho các em nhân dịp năm học mới và tổ chức cho các em vui Tết Trung thu, qua đó giúp trẻ mồ côi có cuộc sống vui tươi, an lành hạnh phúc và có điều kiện đến trường. Đại đức Thích Nhuận Phước (Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT - TMC & BNN huyện Tân Thành) cho biết, "Từ năm 2010 đến nay Hội Bảo trợ NTT - TMC & BNN huyện Tân Thành đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ được hơn 3 tỷ đồng. Từ số tiền nay, Hội đã trích hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ tiền ăn học cho trẻ mồ côi trên địa bàn và tặng học bổng, đồ dùng học tập cho các em nhân dịp năm học mới, để giúp các em có điều kiện đến trường"
Từ vòng tay nhân ái và những tấm lòng yêu trẻ của Hội Bảo trợ Người tàn tật - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo huyện Tân Thành cũng như các sư thầy tại Tu viện Thanh Long, nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, bất hạnh đã có được chỗ dựa cùng niềm tin mà vượt lên mặc cảm sống tốt và sống hữu ích.
                                                                                                                             Ngô Chiến
                                                                                                         (Bài đã đăng trên thoisu BRT)