Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Huyện Tân Thành: Hàng rong “bùng” phát


Những năm gần đây, người dân từ các địa phương khác đến sinh sống, lập nghiệp ở huyện Tân Thành (tỉnh BRVT) ngày càng đông. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống của người dân, hàng trăm nhà hàng, quán ăn đã mọc lên. Bên cạnh các nhà hàng quy mô lớn, đầy đủ tiện nghi thì những xe bán hàng rong và quán ăn tạm với vài ba bộ bàn ghế bày bán trên vỉa hè cũng là nơi ăn uống, nhậu nhẹt của nhiều người.
Đó là hình ảnh thường thấy ở các con đường trên địa bàn huyện Tân Thành như đường 46, đường Vạn Hạnh (thuộc thị trấn Phú Mỹ), đường vào khu công nghiệp Mỹ Xuân A, đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao (xã Mỹ Xuân); đường vào cảng Cái Mép (xã Tân Phước) và dọc quốc lộ 51. Mọi người cứ vô tư ăn uống mặc cho xe cộ, dòng người qua lại cuốn theo bụi, giấy và rác. Cả người bán, người ăn đều mặc nhiên bỏ qua chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm. Dường như họ không quan tâm đến việc thực phẩm “bẩn” chính là nguy cơ lây nhiễm của các loại bệnh như dịch tả, tiêu chảy và giun sán.
Theo ghi nhận của chúng tôi thì tại cổng trường Tiểu học Quang Trung (thuộc khu phố Vạn Hạnh, thị trấn Phú Mỹ) ngày nào cũng có cả chục xe đẩy bán hàng rong, với các món ăn như: bún chả, cơm chiên, bánh mì, bánh ướt, xôi, sữa đậu nành, …. Giá cả các mặt hàng này rất bình dân. Một suất cơm dành cho trẻ em có giá 5000 đồng/ 1 hộp, người lớn 10.000 đồng/ 1 hộp. Bánh mỳ 10.000 đồng /1 ổ. Bánh ướt, sữa đậu nành khách muốn mua bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. Hầu như các loại thực phẩm này đều không được che đậy. Người bán hàng đều tay trần bốc bún, bánh ướt, cầm bánh mỳ đưa cho khách. Nếu phát hiện có sợi tóc trong hộp bánh ướt, hộp cơm hay ổ bánh mỳ thì đó cũng là chuyện bình thường và cũng không mấy ai phàn nàn. Vì hầu như ai mua hàng cũng vội vàng để còn kịp giờ đi làm nên sẵn sàng bỏ qua những lỗi mất vệ sinh của “chủ hàng bán rong”.
Theo một số người dân sống quanh khu vực này thì những hàng bán rong đã hoạt động ở đây từ nhiều năm nay. Họ thường bán từ 5 đến 10 giờ sáng. Đã nhiều lần chính quyền địa phương ra quân ngăn chặn tình trạng bán hàng rong nhưng chỉ dẹp được khoảng thời gian ngắn lại "bùng" trở lại.
Không chỉ có các xe bán hàng rong, mà các quán bán chè, bán nước giải khát vỉa hè trên địa bàn huyện Tân Thành cũng tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cao. Tất cả dụng cụ bán hàng ở các quán này đều không được che đậy và không được vệ sinh sạch sẽ. Người bán hàng không đeo găng tay. Bên cạnh đó, hầu hết các loại thực phẩm của các hàng bán rong đều được chế biến sẵn nên không ai biết được nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng của thực phẩm.
Theo thống kê, từ đầu năm 2012 đến nay, trên  địa bàn huyện Tân Thành xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng thức ăn tại các quán ăn, nhậu vỉa hè.
Bác sỹ Phan Chánh Phú (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Thành) cho biết, “theo quy định của Bộ y tế thì người bán hàng rong phải được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần, có giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hành tốt vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này với người bán hàng rong ở huyện Tân Thành hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Vì người bán hàng rong thường không cố định địa điểm bán hàng và trốn tránh mỗi khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra.v.v…”.
Để giải quyết triệt để tình trạng buôn bán hàng rong, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm, huyện Tân Thành cũng cần bố trí việc làm mới hoặc tổ chức các điểm buôn bán tập trung cho bộ phận này, qua đó đưa họ vào quản lý và kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

                                                                                                                  Ngô Chiến
                                                                                                                (Bài đã đăng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét