Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, UBND xã Sông Xoài (huyện Tân Thành, tỉnh BRVT)về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, vườn cây kém năng suất sang trồng chuyên canh các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Một trong những loại cây được bà con nông dân lựa chọn trồng nhiều trong thời gian gần đây là bưởi da xanh. Theo đánh giá của một số nhà vườn tại xã Sông Xoài thì bưởi da xanh dễ trồng, ít bị sâu bệnh và dễ tiêu thụ hơn so với các loại cây trồng khác.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn xã Sông Xoài có 40 hộ dân trồng chuyên canh cây bưởi da xanh, với tổng diện tích 35 hécta (tăng 5 hécta so với cùng kỳ năm ngoái). Hộ trồng nhiều nhất gần 2 hécta, hộ trồng ít khoảng 5 sào. Một trong những hộ có diện tích bưởi da xanh lớn nhất xã Sông Xoài hiện nay là gia đình anh Lê Văn Thảo (tổ 6, ấp Phước Bình) với 1,5 hécta.
Năm 1993, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, anh Thảo cùng gia đình rời tỉnh Trà Vinh lên xã Sông Xoài, huyện Tân Thành mua gần 2 hécta đất để trồng cà phê và hồ tiêu. Năm 1998, khi vườn hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch thì bệnh chết nhanh trên cây tiêu xuất hiện làm hơn 5.000 m2 hồ tiêu nhà anh bị hư hại; bên cạnh đó, giá cà phê và hồ tiêu trên thị trường liên tục bị rớt giá nên lợi nhuận không đáng kể.
Sau khi đi tham quan một số mô hình trồng bưởi ở huyện Xuyên Mộc (tỉnh BRVT) và Làng bưởi Tân Triều (thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), anh nhận thấy bưởi da xanh phù hợp với chất đất ở địa phương. Năm 2000, gia đình anh quyết định phá bỏ 5.000 m2 hồ tiêu chuyển sang trồng 100 cây bưởi da xanh. Toàn bộ cây bưởi giống được anh mua từ Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ.
Năm 2004, vườn bưởi nhà anh bắt đầu cho trái. Thấy trồng bưởi da xanh hiệu quả gấp 2 lần so với trồng hồ tiêu, cà phê, độ an toàn cao hơn và dễ tiêu thụ nên anh quyết định phá bỏ hơn 1 hécta cà phê và vườn tạp để mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh. Để giảm bớt chi phí, anh đã lựa chọn những cây bưởi khỏe, cho trái ngon trong vườn để nhân giống. Hiện trong vườn nhà anh có 350 cây bưởi da xanh, trong đó, có 100 cây bưởi 11 năm tuổi và 250 cây bưởi 7 năm tuổi.
Anh Thảo cho biết “muốn bưởi da xanh sinh trưởng và phát triển tốt người trồng phải lên liếp. Mỗi liếp bưởi được chia thành hai hàng, mỗi gốc cách nhau 4 m. Khi mới trồng, mỗi ngày tưới một lần để cây không mất sức. Đến khi cây trưởng thành, cho trái thì mỗi tuần tưới một lần. Hàng năm, nhà vườn nên xới đất và phủ cỏ quanh gốc để giữ ẩm cho cây. Trung bình cách 75 ngày bón phân một lần, bình quân mỗi gốc bón 300 gram hỗn hợp phân urê, lân và kali. Đến khi trái lớn, nhà vườn nên tăng lượng phân kali để cho trái đẹp, vỏ mỏng, da bóng và tăng độ ngọt. Ngoài ra, vào đầu mùa mưa phải bón thêm từ 10 đến 15 kg phân chuồng để đất tơi xốp, bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cây. Để phòng trừ sâu bệnh ăn hại lá non, sâu đục thân cây, rệp sáp…. người trồng phải thường xuyên thăm vườn và phun thuốc trừ sâu kịp thời”.
Ưu thế vượt trội của bưởi da xanh là có hàm lượng dinh dưỡng cao, trái to, mẫu mã đẹp, ít hạt và có vị chua ngọt dịu nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhờ đó giá cao hơn so với các loại bưởi khác. Đây là năm thứ 7 vườn bưởi nhà anh cho thu hoạch. Trung bình mỗi gốc bưởi da xanh cho 150 kg trái. Với giá bán cho thương lái tại vườn dao động từ 20 ngàn đồng đến 22 ngàn đồng/1 kg, trừ các khoản chi phí mỗi năm gia đình anh thu lời hơn 250 triệu đồng.
Hiện nay, bưởi da xanh của bà con nông dân xã Sông Xoài chủ yếu bán cho thương lái nên giá cả không ổn định. Hiện đảng ủy, chính quyền xã Sông Xoài đang hoàn tất các thủ tục thành lập tổ hợp tác xã để hướng dẫn bà con nông dân xây dựng vùng đặc chủng dành cho cây có múi (trong đó có bưởi da xanh), nhằm tạo thương hiệu và đầu ra ổn định cho bưởi da xanh để tăng thêm thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể xã còn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh, trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật huyện Tân Thành hỗ trợ bà con nông dân kỹ thuật trồng trọt, cũng như giống cây trồng và vật tư nông nghiệp để người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
(Bài đã đăng trên SI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét