Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

CẢNH ĐẸP TÂN THÀNH:

CHÙA ĐẠI TÙNG LÂM – TRUNG TÂM GIÁO HI PHT GIÁO VIT NAM

Huyện Tân Thành không chỉ được bao quanh bởi các dãy núi cao trùng điệp và thơ mộng như: Núi Dinh, núi Thị Vải, núi Ông Trịnh, mà nơi đây còn quy tụ hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, với kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính, trong đó có chùa Đại Tòng Lâm
Tọa lạc tại thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành), Chùa Đại Tòng Lâm được xây dựng vào năm 1958, trùng tu lại vào năm 1982, trên diện tích hơn 100 hécta. Đây là ngôi chùa đẹp nhất Việt Nam. Mỗi năm có hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước hành hương về đây hành lễ và chiêm ngưỡng.
Điện Phật được khánh thành vào năm 2006, ngoài chính điện được bài trí thờ Di Đà Tam Tôn và Thích Ca Tam Tôn, xá lợi phật còn có 10.000 bức tượng được làm bằng đồng dát vàng gắn cố định trên bốn bức tường của điện. Mỗi bức tượng có kích thước 25x30 centimet.
Sau khi tiến hành nghi thức lễ phật cầu an tại Điện Phật, du khách có thể đi tham quan phong cảnh yên bình của Chùa Đại Tòng Lâm.
Vườn Lộc Uyển là nơi mô phỏng ngày Đức Phật ra đời. Toàn bộ quần thể tượng được bài trí dưới bóng cây cổ thụ. Đức Phật đứng giữa, ngón tay chỉ lên bầu trời là dấu hiệu của giải thoát và niềm an lạc vĩnh cửu.
Tượng Phật Bà Quan âm được hoàn thành vào năm 1980 bằng đá nguyên khối, với chiều cao 20m. Tương truyền rằng Quan Âm là con gái thứ ba của vua Trang Vương (nước Hưng Lâm). Lớn lên, mặc dù vua cha ngăn cản nhưng công chúa quyết đi tu. Cuối cùng vua nổi giận, sai đem giết nàng. Diêm vương đưa nàng vào địa ngục, ở đó công chúa biến địa ngục thành Tịnh độ, cứu giúp người hoạn nạn. Diêm Vương thả nàng ra và công chúa tái sinh lại trên núi Phổ-đà (Biển Đông) và trở thành người cứu độ cho ngư dân. Đến khi vua cha bị bệnh nặng, nàng cắt thịt đắp lên chỗ bệnh. Nhà vua khỏi bệnh và nhớ ơn, cho tạc tượng nàng.
Quan Âm hiện thân trong mọi hình dạng để cứu độ chúng sinh, nhất là trong các nạn lửa, nước, quỷ dữ và đao kiếm.
Tọa lạc ở phía trước Điện Phật là tượng Bồ Tát Di Lặc cao 5,1m (kể cả tòa sen), trọng lượng 40 tấn được đúc bằng đá hoa cương. Với nụ cười rạng rỡ, Bồ Tát Di Lặc biểu tượng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc. Có thuyết cho rằng, Phật Di Lặc là hiện thân của Hòa thượng Khế Thử. Thân hình béo tốt, y phục tùy tiện, ngôn ngữ hành vi đều không câu nệ tiểu tiết, có biệt tài dự đoán lành dữ, biết trước nắng mưa gió bão rất linh nghiệm, thần bí khôn lường. “Di Lặc đúng Di Lặc, phân thân ra muôn vàn. Mọi lúc đi dạy người đời, mà người đời không biết”.
Hoàn thành vào năm 2010, bộ tượng Thích Ca Tam Tôn hay còn gọi là ba Đức Thánh Ca được đặt hướng ra mặt hồ Tịnh Liên tạo nên một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp . 
Hồ Tịnh Liên có diện tích 5000 m2, bắt nguồn từ một hồ nước tự nhiên. Năm 2007 hồ được cải tạo. Bao quanh Hồ là 1 bức tường bằng đá. Sau một chặng đường dài đến chùa Đại Tòng Lâm, phật tử và du khách có thể dừng chân bên hồ ngắm cảnh thủy mặc với những hàng cây hoa kiểng thơ mộng. Có nhiều du khách khi đến Chùa Đại Tòng Lâm đã vốc nước hồ lên rửa mặt để xua đi những mệt mỏi, lo toan và cầu mong một cuộc sống an lành.
Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, sau hơn 1.000 ngày chế tác, 48 bức tượng A Di Đà bằng đá hoa cương đã được hoàn thành vào cuối năm 2009. Mỗi tượng cao 3,3 mét, nặng 3,5 tấn. Giữa 48 bức tượng được đặt pho tượng Di Đà Bổn Tôn cao 18 mét bằng bê tông cốt thép hướng về phía Tây (nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời cách đây trên 2.600 năm về trước) tạo nên vườn “Cửu phẩm cực lạc”. Với việc ra đời của 49 bức tượng đã góp phần tạo thêm sự trang nghiêm của Đại Tòng Lâm Tự.
Không chỉ là thánh địa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà Chùa Đại Tòng Lâm còn là nơi đào tạo tu sỹ lớn nhất của cả nước.
Năm 2004 - Phật lịch 2548 - Chùa Đại Tòng Lâm được Tỉnh hội Phật giáo Bà rịa - Vũng tàu tổ chức khóa An cư kiết hạ đầu tiên cho Tăng chúng, Ni chúng về kiết giới tu học tại chùa. Đến nay, Chùa Đại Tòng Lâm đã đào tạo được 5 khóa cao đẳng phật học và 7 khóa trung cấp phật học với gần 2.500 tu sỹ.
 Nhiều tu sỹ sau khi tốt nghiệp tại trường đã ra nước ngoài học tiếp lên thạc sỹ, tiến sỹ. Trong đó có nhiều người sau khi thành danh đã quay trở về chùa Đại Tòng Lâm phụng sự. Có thể kể đến như: Đại Đức Thích Nhuận Trí (tiến sỹ Phật học tại Mỹ) – hiện là Chánh thư ký Ban trị sự tỉnh BR – VT; Đại Đức Thích Nguyên Thái (nghiên cứu sinh tại Thái Lan), hiện tham gia công tác quản trường tại chùa Đại Tòng Lâm.v.v.…
Từ năm 2006 đến nay, Chùa Đại Tòng Lâm đã vinh dự được nhận 5 kỷ lục lớn nhất Việt Nam gồm: Kỷ lục Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam; kỷ lục ngôi chùa có nhiều tượng nhất Việt Nam; kỷ lục Chùa có số Tăng chúng, Ni chúng về kiết giới tu học lớn nhất; kỷ lục tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá hoa cương nặng nhất và kỷ lục Cửu phẩm Liên hoa đẹp nhất.
Với việc trùng tu và phát triển không ngừng, Đại Tòng Lâm Tự đã thực sự trở thành điểm tham quan, tế lễ, cầu may của du khách và phật tử trong và ngoài nước. 
                                                                                                         Ngô Chiến
PV Đài Tân Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét