Gia đình chị Nguyễn Thị Yến (ở ấp 5, xã Tóc Tiên) là một trong những điển hình thoát nghèo nhờ vốn vay ngân hàng chính sách xã hội. Năm 2003, khi mới vào huyện Tân Thành lập nghiệp, không vốn liếng, không đất canh tác, vợ chồng chị lấy việc đi chài lưới để kiếm tiền lo cho gia đình 5 nhân khẩu. Cuộc sống thiếu trước, hụt sau.
Năm 2006, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Thành giải quyết cho gia đình chị vay 10 triệu đồng để mua 1 cặp bò sinh sản. Sau 3 năm nuôi, đàn bò phát triển lên 6 con. Năm 2010, gia đình chị bán đàn bò để trả tiền ngân hàng và đầu tư xây dựng chuồng nuôi heo. Hiện trong chuồng heo của gia đình chị thường xuyên có 11 con heo nái, 110 con heo thịt. Ngoài ra, chị còn nuôi 500 con gà thả vườn và xây bể nuôi baba. Nhờ chịu khó làm ăn và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, giờ đây gia đình chị Yến đã thoát nghèo và có kinh tế khá giả.
(Chị Yến xã Tóc Tiên) |
“Trước đây, gia đình khó khăn lắm, phải làm thuê làm mướn rồi đi chài lưới để kiếm sống. Nhờ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Thành, gia đình đầu tư vào nuôi bò, sau đó nuôi heo, chăn nuôi đến bây giờ thì gia đình cũng có tiền trả cho ngân hàng chính sách, xây dựng được nhà cửa và lo cho con cái ăn học”. Chị Yến Cho biết.
Gia đình ông Trần Minh Cảnh (ấp 1, xã Hắc Dịch) cũng là hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội. Không có đất canh tác, vợ chồng ông phải đi làm mướn để lấy tiền trang trải cuộc sống và lo cho 5 người con ăn học. Cuộc sống rất khó khăn. Năm 2010, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Thành giải quyết cho gia đình ông vay 24 triệu đồng để làm ăn. Có tiền ông Cảnh đầu tư mua 2 con bò sinh sản. Nhờ chăm sóc cẩn thận nên đàn bò phát triển rất tốt. Năm 2011, ông bán 2 con bê để lấy tiền chi tiêu hàng ngày. Hiện trong chuồng của gia đình ông còn 5 con bò, trong đó có 3 con bò đang chửa.
(Ông Cảnh xã Hắc Dịch) |
“Tôi về đây cũng khó khăn quá, nhờ chính sách hỗ trợ hộ nghèo tôi vay được nguồn vốn mua 2 con bò. Sau khi nuôi được một năm bò sinh thêm được 2 con. Tôi đã bán đi 2 con bê để chi phí trong gia đình và lo cho con trai bị tai nạn giao thông. Tôi rất cám ơn Nhà nước đã hỗ trợ cho gia đình tôi nguồn vốn này,…” ông Cảnh tâm sự.
Từ năm 2006 đến nay, huyện Tân Thành có 4.854 hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ 52 tỷ 863 triệu đồng. Hộ vay ít nhất là 5 triệu đồng. Hộ vay nhiều lên đến 30 triệu đồng. Hầu hết các hộ dân đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và hiệu quả.
Một buổi giải ngân vốn |
Để các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn thuận tiện và để quản lý chặt chẽ nguồn vốn cho vay, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Thành đã đặt 10 điểm giao dịch tại 10 xã, thị trấn. 100% thôn, ấp, khu phố trên địa bàn huyện đều có tổ vay vốn hoạt động. Nhờ việc cho vay được bình xét công khai, dân chủ nên đồng vốn đã thật sự đến tận tay các hộ nghèo và hộ gia đình chính sách.
(Ông Lê Đình Giang - GĐ Ngân hàng CSXH huyện Tân Thành) |
Ông Lê Đình Giang (Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Thành) cho biết: “Đối với chính sách hộ nghèo thì sau khi thoát nghèo, các hộ nghèo vẫn được tiếp tục vay vốn 2 năm. Với những hộ đã hết thời gian vay, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ thu hồi lại để đầu tư cho những hộ trong diện chuẩn nghèo mới. Khi thu được nợ thì sẽ nâng mức cho vay lên. Nếu Trước đây cho vay tối đa là 15 triệu đồng thì hiện nay tăng mức cho vay lên là 30 triệu đồng/ 1 hộ, tạo điều kiện cho nghèo có đủ vốn để sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững. Hiện nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu vay của các hộ nghèo trên địa bàn…”
Hiện nay, huyện Tân Thành còn 1.318 hộ nghèo theo chuẩn mới, trong đó có 396 hộ cận nghèo và 920 hộ nghèo chuẩn quốc gia và chuẩn tỉnh. Hy vọng rằng, với sự trợ giúp kịp thời của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Thành cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự vượt khó vươn lên của các hộ nghèo, trong thời gian tới số hộ nghèo trên địa bàn huyện sẽ giảm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét